Ung thư trực tràng nếu không được điều trị kịp thời sẽ như thế nào?

Ung thư trực tràng nếu không được điều trị kịp thời, có thể tiến triển theo những con đường sau:

  • Xâm lấn tại chỗ: ung thư xuất phát ở niêm mạc, sau đó xâm lấn ra ngoài theo thứ tự từ lớp hạ niêm mạc, lớp cơ, thanh mạc. Cuối cùng khối u phá vỡ thanh mạc, lan rộng tại chỗ và xâm lấn các cơ quan lân cận. Đồng thời với xâm lấn theo hướng chiều sâu, khối u còn phát triển theo dọc ống tiêu hóa. Xâm lấn niêm mạc và dưới niêm mạc thường xa hơn so với tổn thương đại thể nhưng ít khi vượt quá bờ dưới khối u 2cm. Do đó đối với diện cắt dưới u trong phẫu thuật, chỉ cần cách bờ dưới khối u tối thiểu 2cm là an toàn về kết quả ung thư học. Trong khi, một số nghiên cứu khác cho thấy khoảng cách này chỉ cần > 1cm là đã an toàn, tuy nhiên đối với các UTTT có độ xâm lấn T3 và T4 cần hóa – xạ trị trước mổ. Một số nghiên cứu gần đây chứng minh khi bệnh nhân ung thư trực tràng đã được hóa – xạ trị trước mổ thì khoảng cách từ bờ dưới u tới diện cắt dưới tối thểu 1cm thậm chí < 1cm không ảnh hưởng tới tỷ lệ tái phát tại chỗ và thời gian sống thêm sau mổ. Nhận định này sẽ giúp các phẫu thuật viên tăng cường khả năng bảo tồn ống hậu môn.
  • Sự phát triển xâm lấn của khối u theo chiều ngang (T) có liên quan tới chất lượng của diện cắt vòng quanh trực tràng (diện cắt chu vi). Theo Hermanek và cộng sự, diện cắt chu vi (CRM: Circumferential Resection Margin) là phần mặt cắt vòng quanh bệnh phẩm thu được sau phẫu thuật. Đánh giá chất lượng của diện cắt chu vi được chia thành 2 loại là diện cắt chu vi dương tính (CRM positive) và diện cắt chu vi âm tính (CRM negative). Về định nghĩa:
  • CRM dương tính (CRM+): là sự có mặt tế bào ung thư tại diện cắt hoặc khoảng cách ngắn nhất tính từ khối u nguyên phát hay khối u dạng vệ tinh hay hạch di căn trong MTTT đến diện cắt chu vi (CRM) ≤ 1mm.
  • CRM âm tính (CRM-): là khi khoảng cách trên > 1 mm.

Hình. Minh họa biên độ cắt theo chu vi

  • Các nghiên cứu đã chỉ ra CRM là yếu tố tiên lượng độc lập với tái phát tại chỗ hay thời gian sống thêm sau mổ.
  • Di căn theo mạch bạch huyết: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tế bào ung thư xâm lấn vào các nhóm hạch xảy ra từ gần tới xa, từ dưới lên trên, bắt đầu từ nhóm hạch ở cạnh thành trực tràng, sau đó nhóm hạch dọc động mạch trực tràng trên, động mạch mạc treo tràng dưới , động mạch chủ. Khái niệm “skip metastasis” mô tả sự di căn “nhảy dù”, cơ chế của hiện tượng “nhảy dù” vẫn chưa được sáng tỏ.
  • Di căn theo đường mạch máu: tế bào ung thư theo tĩnh mạch trực tràng trên  tới tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch trực tràng giữa và dưới để về tĩnh mạch chủ dưới, tạo các ổ di căn xa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *