Ung thư đại tràng những điều cần biết

Ung thư đại tràng có nguy cơ gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới, chỉ sau ung thư phổi, dạ dày và gan. Nhưng nếu phát hiện kịp thời ở gia đoạn sớm thì tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90%. Rất nhiều trường hợp đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh. Ung thư đại tràng và những điều cần biết sẽ được Dr.NguyenTuanAnh chia sẻ ngay trong bài viết dưới đây.

Vị trí ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng (UĐTT) có thể xuất hiện ở mọi vị trí của đại tràng, thống kê tại Mỹ cho thấy u ở đại tràng Sigma và đại tràng xuống là 52%, đại tràng ngang là 16%, manh tràng và đại tràng lên là 32%. Có một tỷ lệ nhỏ, khoảng 3% u xuất hiện ở nhiều vị trí trên khung đại tràng.

Vị trí ung thư đại tràng

U có thể xuất hiện tại bất cứ vị trí nào ở đại tràng

Hình ảnh đại thể

Cũng như tất cả các loại ung thư bề mặt, hình ảnh đại thể của UTĐT là sự kết hợp giữa sùi, loét và thâm nhiễm. Tuy nhiên về đại thể UTĐT được chia ra 4 loại sau:

  • Thể sùi: u phát triển lồi vào lòng ruột, mặt u gồ gề, có thể có loét ở giữa, hay gặp ở đại tràng phải, đại tràng ngang, ít gây hẹp nhưng hay gây thiếu máu, tiên lượng tốt hơn loại khác.
  • Thể loét: gặp nhiều ở đại tràng trái, ổ loét phát triển sâu vào thành ruột, tỷ lệ di căn hạch cao, tiên lượng xấu hơn thể sùi.
  • Thể thâm nhiễm: thường ít gặp với đặc điểm tổn thương lan tỏa không rõ gianh giới, mặt hơi lõm, u phát triển nhanh theo chiều dọc, chiều dày và chu vi ruột khiến ruột giống như một cái ống cứng.
  • Thể nhẫn: u thường nhỏ, mặt có thể có loét, phát triển theo toàn bộ chu vi ruột, nhanh gây tắc ruột, gặp nhiều ở đại tràng trái và sớm di căn hạch.

Hình ảnh vi thể

Phân loại mô bệnh học ung thư đại trực tràng theo Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization – WHO) bao gồm: ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma) chiếm khoảng 90-95%, ung thư biểu mô tuyến nhầy (mucinous adenocarcinoma) chiếm khoảng 10%, còn lại là các loại khác rất hiếm gặp như: ung thư biểu mô tế bào nhẫn (signet ring cell carcinoma), ung thư biểu mô tế bào nhỏ (small cell carcinoma/oat cell), ung biểu mô tuyến vảy tế bào nhỏ (small cell adenosquamous carcinoma), ung thư biểu mô tế bào vảy (squamous cell carcinoma), ung thư biểu mô không biệt hóa/ ung thư biểu mô tủy (undifferentiated carcinoma/medullary), u carcinoid, sarcoma, lymphoma.

Di căn

UTĐT có thể di căn tới nhiều tạng với các tỷ lệ khác nhau như: gan (60-71%), phổi (25-40%), xương (5-10%), buồng trứng (3-5%), tuyến thượng thận (1%), não (1%). UTĐT có thể di căn theo 4 con đường sau:

  • Trực tiếp (Direct extension): u phát triển, xâm lấn trực tiếp vào các cơ quan cấu trúc bên cạnh.
  • Theo đường bạch huyết (lymphatic metastasis).
  • Theo đường máu (hematogenous metastasis).
  • Di căn theo đường cấy (implantation): thường gặp là di căn vào phúc mạc và buồng trứng.

Ung thư đại tràng những điều cần biết

Các con đường di căn khối u

Giai đoạn ung thư đại tràng

Xác định đúng giai đoạn ung thư đại tràng là một việc rất cần thiết và quan trọng, nó giúp chúng ta có được những quyết định đúng đắn trong lựa chọn phương pháp điều trị cũng như tiên lượng. Giai đoạn bệnh cũng được coi như một ngôn ngữ chung của các nhà ung thư học, giải phẫu bệnh và phẫu thuật viên… để trao đổi thông tin.

Dựa trên mức độ tổn thương của 3 yếu tố chính là u, hạch và di căn xa, hiện nay thế giới có 3 cách phân loại UTĐT trong đó phân loại theo Dukes và phân loại theo hệ thống TNM của Hội ung thư Mỹ (American Joint Committee on Cancer – AJCC) năm 2002 được sử dụng nhiều nhất. Phân loại theo Hội nghiên cứu ung thư đại trực tràng Nhật Bản (Japanese Society for Cancer of the Colon and Rectum – JSCCR) ít được sử dụng hơn vì khá phức tạp. So với 2 cách phân loại trên, phân loại theo Nhật Bản có sự khác biệt cơ bản là: mức di căn hạch được xếp theo vị trí của hạch, trái lại phân loại theo hệ thống TNM và Dukes thì mức hạch di căn được xác định bằng số lượng hạch di căn hoặc có hay không có di căn hạch.

Phân loại Dukes: được khởi xướng năm 1932 bởi Cuthbert Dukes, nhà giải phẫu bệnh của bệnh viện St. Mark ở Vương quốc Anh với 3 giai đoạn là Dukes A, B, C. Dựa trên phân loại này nhiều tác giả khác như: Kirklin, Astler và Coller, Turnbull đã phân loại lại chi tiết hơn. Các cách phân loại này được gọi chung là phân loại Dukes cải biên (modified Dukes classification), ngày nay chúng vẫn được sử dụng nhiều vì đơn giản, dễ nhớ. Dưới đây là phân loại cải biên của Astler và Coller:

  • Giai đoạn A: u giới hạn ở lớp niêm mạc.
  • Giai đoạn B1: u phát triển qua lớp cơ niêm nhưng không vượt qua lớp cơ.
  • Giai đoạn B2: u phát triển vượt qua lớp cơ.
  • Giai đoạn C1: tổn thương giống giai đoạn B1 nhưng có di căn hạch.
  • Giai đoạn C2: tổn thương giống giai đoạn B2 nhưng có di căn hạch.
  • Giai đoạn D: có di căn xa.

Phân loại theo hệ thống TNM của hội ung thư Mỹ năm 2002: dựa trên 3 yếu tố là:

U nguyên phát (primary tumor- T)

  • TX: không đánh giá được u.
  • T0: không có bằng chứng của u nguyên phát.
  • Tis: ung thư tại chỗ (carcinoma in situ), tổn thương ở lớp biểu mô.
  • T1: u xâm lấn lớp dưới niêm mạc.
  • T2: u xâm lấn lớp cơ.
  • T3: u xâm lấn vượt qua lớp cơ vào lớp dưới thanh mạc hoặc vào tổ chức quanh đại trực tràng nơi không có phúc mạc che phủ.
  • T4: u xâm lấn qua lớp thanh mạc hoặc xâm lấn trực tiếp vào các cơ quan, cấu trúc khác.

Hạch vùng (regional lymph nodes- N)

  • NX: không đánh giá được hạch vùng.
  • N0: không có di căn hạch.
  • N1: di căn 1-3 hạch.
  • N2: di căn ≥ 4 hạch.

Di căn xa (distant metastasis- M)

  • MX: không đánh giá được di căn xa.
  • M0: không có di căn xa.
  • M1: có di căn xa.

Dựa trên 3 yếu tố trên, tiến triển của UTĐT được xếp thành 4 giai đoạn từ sớm đến muộn là:

Giai đoạn TNM Tiêu chuẩn
0 Tis N0 M0
I T1 N0 M0

T2 N0 M0

II A T3 N0 M0
II B T4 N0 M0
III A T1 N1 M0

T2 N1 M0

III B T3 N1 M0

T4 N1 M0

III C Mọi T, N2 M0
IV Mọi T, mọi N, M1

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *