Tổng quan về Ung Thư Dạ Dày

Ung thư dạ dày là tình trạng mà các tế bào trong dạ dày phát triển một cách bất bình thường, mất kiểm soát và dẫn đến việc hình thành các khối u trong cơ thể. Ung thư dạ dày nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời thì khối u ác tính có thể lan rộng ra xung quanh và di căn đến nhiều cơ quan khác, gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe thậm chí nặng nhất là dẫn đến tử vong.

Theo Báo cáo Thường niên Giữa kỳ của Cơ quan Đăng ký Ung thư Singapore về xu hướng ung thư ở Singapore trong giai đoạn 2010-2014 (Văn phòng Đăng ký Bệnh tật Quốc gia, công bố ngày 26 tháng 5 năm 2015) cho thấy ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến thứ 6 ở nam giới Singapore, có nghĩa là cứ 50 người nam giới thì sẽ có 1 người mắc loại ung thư dạ dày này trong cuộc đời. Còn ở những người phụ nữ Singapore thì đây là loại ung thư phổ biến thứ 8. Theo báo cáo, ung thư dạ dày đã cướp đi mạng số của khoảng 350 người mỗi năm tại Singapore. Và đây cũng là loại ung thư phổ biến ở khu vực Đông Á.

Và bài viết này sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về bệnh ung thư dạ dày để giúp các bạn hiểu rõ và sâu hơn về căn bệnh ung thư quái ác này.

Những thông tin về ung thư dạ dày 

Triệu chứng

Ở giai đoạn đầu ung thư dạ dày thường sẽ không có triệu chứng bị bệnh hoặc chỉ gây ra các triệu chứng không rõ ràng. Đến khi triệu chứng xuất hiện thì lúc đó ung thư  đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, đó là một trong những lý do bệnh này khó chẩn đoán sớm được từ đầu. Bệnh ung thư dạ dày có thể gây ra các triệu chứng và dấu hiệu sau:

Tổng quan về Ung Thư Dạ Dày

Triệu chứng sớm

  • Gặp vấn đề khó tiêu hoặc chứng ợ chua.
  • Ăn cảm giác mất ngon miệng, đặc biệt là đối với món thịt.

Triệu chứng muộn

  • Thường hay đau bụng, cảm thấy khó chịu ở vùng thượng vị.
  • Cảm giác buồn nôn và nôn mửa.
  • Hay tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Cơ thể cảm thấy đầy bụng sau khi ăn.
  • Cơ thể bị sụt cân.
  • Cơ thể yếu đi và mệt mỏi.
  • Xuất huyết (nôn ra máu hoặc có máu trong phân). Có thể dẫn đến việc thiếu máu mạn tính.
  • Cảm thấy khó nuốt đây có thể là dấu hiệu của việc u ở vùng tâm vị hoặc sự lan rộng của u dạ dày lên thực quản.

Tuy nhiên những triệu chứng trên chưa hẳn kết luận được đây là ung thư dạ dày, cũng có thể là triệu chứng của các bệnh khác như là nhiễm virus dạ dày, viêm ruột loét miệng hay loét dạ dày. Vì vậy cho nên cần lưu ý rằng việc chẩn đoán cần phải có bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc ung bướu để đưa ra kết quả chính xác nhất.

Nguyên nhân

Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các loại ung thư dạ dày, còn các bệnh viêm dạ dày như teo màng lót do tự miễn, chuyển sản ruột và nguyên nhân di truyền là các yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh. Bạn hãy lưu ý rằng đối với bệnh ung thư dạ dày, chế độ ăn uống không được coi là nguyên nhân gây ra bệnh.

Chi tiết hơn thì Helicobacter pylori là yếu tố nguy cơ chính ở 65-80% các ca ung thư dạ dày, tuy nhiên thực tế chỉ có ở 2% số người bị nhiễm loại vi khuẩn này. Có khoảng 10% các ca ung thư dạ dày có liên quan đến yếu tố di truyền. Theo một số thông tin thì ở Nhật Bản và các nước khác khi sử dụng cây dương xỉ diều hâu và bào tử để làm thức ăn có liên quan đến tỉ lệ mắc các bệnh ung thư dạ dày nhưng nguyên nhân này chưa được công bố chính xác.

Ở bệnh ung thư dạ dày thì tỉ lệ mắc bệnh chiếm đa số ở nam giới, có nơi tỉ lệ mắc bệnh ở đàn ông/phụ nữ là 2/1. Phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh thấp hơn bởi vì ở nữ có hoocmon estrogen giúp bảo vệ người nữ giới khỏi căn bệnh này.

Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra được mối liên hệ tương quan giữa việc thiếu hoặc thừa Iốt, cơ thể khi thiếu iốt sẽ dẫn đến mắc bệnh bướu cổ và ung thư dạ dày, thiếu Iot làm giảm đi hoạt động của dạ dày. Cũng đã có khá nhiều những báo cáo về việc có thể giảm được tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày gây ra khi thực hiện tốt việc bổ sung iot dự phòng. Cơ chế tác động có thể là do ion iot có tác dụng như chất khử để chống oxy hóa trong màng nhầy dạ dày do dó làm giảm đi tác hại của các yếu tố oxy hóa, như oxi già. Đang dẫn đầu trong sự nỗ lực để giải mã hoàn chỉnh bộ gen ung thư dạ dày là đất nước Trung Quốc, thành viên của Liên minh Quốc tế về Bộ gen ung thư (International Cancer Genome Consortium).

Tổng quan về Ung Thư Dạ Dày

Chẩn đoán 

Để tìm được nguyên nhân của triệu chứng, thường bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân một vài thông tin về tiền sử bệnh án, khám thể chất và có thể là yêu cầu làm xét nghiệm. Bệnh nhân có thể làm một hoặc tất cả các hình thức khám sau đây:

  • Phương pháp chuẩn hiện nay là nội soi dạ dày. Phương pháp sử dụng một camera sợi quang học đưa vào bên trong cơ thể đến dạ dày để xem được chi tiết bên trong.
  • Chụp X-quang ống tiêu hóa trên.
  • Phương pháp chụp cắt lớp hay chụp CT bụng cũng có thể phát hiện ra ung thư dạ dày, phương pháp được sử dụng nhiều hơn trong việc đánh giá xem  mức độ xâm lấn sang các mô xung quanh, hoặc lan đến hạch bạch huyết trong cơ thể.

Qua các bước nội soi những mô bất thường sẽ được bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật (khoa ngoại) làm sinh thiết hoặc tiêu hóa. Những mô này sẽ được bác sĩ chuyên khoa bệnh học kiểm tra các đặc điểm mô học dưới kính hiển vi để có thể phát hiện ra các tế bào ung thư. Phương pháp sinh thiết và phân tích mô học, hiện tại là phương pháp duy nhất có thể chứng minh được chắc chắn sự có mặt của tế bào ung thư. 

Bên cạnh đó còn có phương pháp nội soi dạ dày nhằm tăng cường sự phát hiện trong màng nhầy bằng một chất nhuộm màu (Vd: Lugol 5%) làm nổi bật cấu trúc tế bào và giúp xác định được những vùng tế bào bị loạn sản (dysplasia). Nội soi tế bào giúp phóng đại lên nhiều lần để có thể thấy được cấu trúc tế bào và xác định vùng loạn sản. Và các phương pháp nội soi dạ dày khác như chụp cắt lớp võng mạc (optical coherence tomography) đang được nghiên cứu để phục vụ cho mục đích tương tự.

Mô bệnh học

  • Ung thư biểu mô tuyến ở dạ dày (adenocarcinoma) còn gọi là u biểu mô ác tính, bắt nguồn từ các tế bào biểu mô tuyến ở niêm mạc dạ dày. Ung thư dạ dày đa số là ung thư biểu mô tuyến ( chiếm 90%). 
  • Về khía cạnh mô bệnh học, có hai loại ung thư biểu mô tuyến dạ dày chính (theo phân loại Lauren) đó là: dạng ruột và dạng phân tán. Ung thư biểu mô tuyến thường xâm lấn nhanh chóng đến thành dạ dày, tiếp đến xâm chiếm sang cả cơ niêm mạc (muscularis mucosae), lớp dưới niêm mạc và đến lớp cơ trơn của thành ống tiêu hóa. Tế bào ung thư biểu mô tuyến có dạng ruột với cấu trúc hình ống bất thường được phân bố thành nhiều lớp, có nhiều ống tuyến và giảm cấu trúc đệm (stroma). Khi chuyển sản ruột cũng hay xảy ra ở các vùng niêm mạc xung quanh. Tùy vào cấu trúc của tuyến, sự đa hình thái và tốc độ  tiết dịch của tế bào mà ung thư biểu mô tuyến có thể phân cấp thành 3 cấp độ biệt hóa: tốt, trung bình và kém. Còn đối với ung thư biểu mô tuyến dạng phân tán (dạ dày có hình dạng như chai/lọ bằng da, ung thư xơ cứng, chứa nhiều dịch nhầy và dịch keo) các tế bào ung thư thường thì sẽ không liên kết và tiết dịch thẳng vào khoang khe ngoại bào tạo ra những khoảng lớn chứa chất nhầy/ chất keo không biệt hóa rõ ràng lắm. Nếu chất nhầy nằm trong tế bào ung thư, nó đẩy nhân tế bào ra rìa tế bào, tạo nên dạng “Tế bào dạng nhẫn đóng dấu”.
  • Có khoảng 5% ung thư dạ dày là ung thư hạch bạch huyết (lymphoma) 

Ung thư biểu mô tuyến biệt hóa trung bình và kém ở mô dạ dày.

Xác định giai đoạn bệnh

Các tế bào ung thư khi được tìm thấy trong mẫu sinh thiết, thì bước tiếp đến cần làm đó là xác định giai đoạn ung thư. Có nghĩa là tìm ra mức độ phát tán các tế bào ung thư trong cơ thể. Có nhiều xét nghiệm để xác định được xem ung thư đã lan rộng đến đâu và nếu có tế bào ung thư thì nó đã ảnh hưởng đến những bộ phận nào trong cơ thể

Bởi vì ung thư dạ dày có thể lây lan rất nhanh sang gan, tụy, và các cơ quan gần dạ dày cũng như phổi, bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp cắt lớp PET, chụp cắt lớp CT, làm siêu âm nội soi hoặc làm các xét nghiệm khác để kiểm tra những vùng trên. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra những dấu ấn ung thư trong máu như kháng nguyên CEA (carcinoembryonic antigen) và kháng nguyên CA (carbohydrate antigen) bởi vì nồng độ của chúng liên quan đến mức độ xâm lấn của các tế bào ung thư, đặc biệt là ở gan và mức độ hồi phục. Cho đến sau khi phẫu thuật xong thì việc xác định được giai đoạn mới có thể chính xác. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ các hạch bạch huyết xung quanh và có các mẫu mô ở những khu vực khác trong ổ bụng để kiểm tra mô bệnh học. 

Điều trị

Mỗi loại bệnh khác nhau đều có các cách điều trị khác nhau để phù hợp với từng bệnh nhân và phải phụ thuộc vào kích cỡ, vị trí, mức độ xâm lấn của khối u, đang trong giai đoạn như thế nào và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Ung thư dạ dày có thể nói là một loại bệnh khó chữa trị trừ khi được phát hiện sớm trước khi các tế bào di căn đến bộ phận khác của cơ thể. Rất khó cho bệnh nhân rằng ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường có rất ít triệu chứng và khi được chẩn đoán thì thường bệnh đã trở nặng. Việc điều trị ung thư dạ dày bao gồm phải phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị. Và các phương pháp điều trị mới như điều trị sinh học và cải tiến các biện pháp hiện nay đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị phổ biến nhất và là hy vọng duy nhất để chữa khỏi bệnh ung thư dạ dày. Phẫu thuật ung thư dạ dày tức bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ đi một phần hoặc toàn bộ dạ dày và cũng như các hạch bạch huyết xung quanh, theo nguyên tắc cơ bản thì phải loại bỏ tất cả các mô ung thư và vùng lân cận. 

Tùy vào mức độ xâm chiếm và vị trí của khối u thì có thể xem xét cần cắt bỏ một phần ruột non và tụy. Phương pháp Billroth I hoặc Billroth II là phương pháp được áp dụng cho những khối u ở nửa dưới của dạ dày

Phẫu thuật nội soi cắt bỏ niêm mạc (tiếng Anh là Endoscopic mucosal resection – EMR) dùng để điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm (khối u mới chỉ nằm ở niêm mạc) và đã được sử dụng lần đầu tiên ở Nhật Bản và cũng có ở một số nơi ở Mỹ. Phương pháp này loại bỏ được khối u cùng với lớp niêm mạc bao phủ mặt trong của dạ dày bằng một vòng dây điện nhờ nội soi. Ưu điểm của nó là nhỏ hơn nhiều so với phẫu thuật cắt bỏ dạ dày. 

Phương pháp phẫu thuật hiện nay có tỉ lệ chữa trị được ít hơn 40% các ca, và nếu trong những trường hợp đã bị di căn, nó chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng.

Hóa trị liệu

Hiện chưa có tiêu chuẩn điều trị về việc sử dụng hóa trị liệu trong điều trị ung thư dạ dày. Đối với phương pháp này ung thư dạ dày không đáp ứng được với các loại hóa chất cho đến mãi gần đây. Trước kia thì hóa trị liệu được dùng trong điều trị triệu chứng làm giảm kích cỡ của khối u và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân, Một số hóa chất được sử dụng đối với bệnh ung thư dạ dày đó là những hóa chất như: 5-FU (fluorouracil), BCNU (carmustine), methyl-CCNU (Semustine), doxorubicin (Adriamycin), Mitomycin C và gần đây là cisplatin và taxotere với những liều lượng kết hợp khác nhau. 

Hiện nay các nhà khoa học đang trong quá trình tìm hiểu tác dụng của việc hóa trị liệu trước khi phẫu thuật có làm nhỏ được khối u hay không, hoặc là sau khi phẫu thuật có phá hủy được nốt những tế bào ung thư còn lại. Việc kết hợp giữa hóa trị liệu và xạ trị cũng đang được nghiên cứu. Các bác sĩ đang thử nghiệm phương pháp sử dụng hóa chất chống ung thư đưa thẳng vào ổ bụng (truyền hóa chất ấm trong ổ bụng, tên gọi tiếng Anh là intraperitoneal hyperthermic chemoperfusion). Tác dụng phụ của hóa trị liệu phụ thuộc chủ yếu vào loại hóa chất được sử dụng.

Xạ trị

Là phương pháp  sử dụng các tia có năng lượng cao để phá hủy đi các tế bào ung thư và ngăn chúng sinh sản. Thường thì phương pháp này được sử dụng kết hợp với phẫu thuật và hóa trị liệu hoặc chỉ dùng với hóa trị liệu đối với những bệnh nhân không thể sử dụng phương pháp phẫu thuật. Xạ trị có thể sử dụng để giảm cơn đau hoặc ngăn sự phát triển của khối u trong điều trị triệu chứng cho các bệnh không chữa được.

Tổng quan về Ung Thư Dạ Dày

Phòng bệnh

Sau đây là một số biện pháp phòng bệnh ung thư dạ dày hiệu quả:

  • Loại bỏ vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) với các loại kháng thể, kháng sinh và có độ ăn uống sinh hoạt hợp lý.
  • Chú trọng đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày: ăn rau xanh, ăn nhạt, hạn chế đồ nướng, chiên, rán và các thực phẩm đóng hộp, lên men, thực phẩm chứa chất bảo quản và thực phẩm tẩm ướp hóa chất
  • Rèn luyện một thói quen ăn uống có khoa học: ăn đúng bữa ăn, ăn nhạt, ăn ít đường, đặc biệt không bỏ bữa ăn sáng.
  • Tập thể dục, nâng cao sức đề kháng, ngủ sớm và ngủ đủ giấc (trung bình là 8 tiếng/ngày)
  • Từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu, làm việc quá sức và thường xuyên stress tâm lý.
  • Điều trị triệt để các bệnh lý về dạ dày có thể dẫn đến biến chứng UTDD: viêm dạ dày, loét dạ dày (đau bao tử).

Bài viết này đã cung cấp các kiến thức về ung thư dạ dày cũng như phân tích các rõ các  nguyên nhân, phương pháp, cách điều trị và cách phòng bệnh ung thư dạ dày. Mong rằng bài viết này sẽ giúp ích được cho bạn và những người xung quanh. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *