Phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày và những điều bạn cần biết

Ung thư dạ dày là bệnh ác tính thường gặp và có tỉ lệ tử vong cao trong các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa. Số liệu mới nhất của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC (GLOBOCAN 2018), ung thư dạ dày đứng thứ 6 về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong trên toàn thế giới. Tính đến thời điểm cuối năm 2018 đã có 18,1 triệu trường hợp mắc bệnh ung thư dạ dày và hơn 9,6 triệu ca tử vong.

Việt Nam đứng thứ 18 trong 20 nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất trên thế giới, mỗi năm có khoảng 14000 bệnh nhân mắc mới và khoảng 13000 bệnh nhân chết do căn bệnh này

Phẫu thuật ung thư dạ dày là phương pháp điều trị cắt dạ dày triệt căn. Đây là phương pháp điều trị đầu tiên và chủ yếu đối với các ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm: Có thể phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày. Sau khi ổn định bệnh nhân đã có thể uống và ăn trở lại. Sau phẫu thuật 10-14 ngày, bệnh nhân có thể ra viện.

Những trường hợp ung thư giai đoạn cuối có thể: Phẫu thuật tạm thời, nhằm lập lại lưu thông của đường tiêu hóa, kéo dài cuộc sống cho người bệnh.

1. Phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày?

Các phương pháp phẫu thuật ung thư dạ dày bao gồm:

– Cắt bán phần dưới dạ dày: Cắt bỏ phần lớn đoạn dưới dạ dày cùng với thương tổn, môn vị và mạc nối lớn. Phẫu thuật này áp dụng cho những trường hợp thương tổn ở 1/3 dưới dạ dày hoặc 1/3 giữa dạ dày mà khoảng cách từ bờ trên thương tổn đến tâm vị trên 5 cm. Mặt cắt tá tràng được đóng lại bằng khâu tay hoặc dùng máy cắt nối thẳng. Phục hồi lưu thông tiêu hóa bằng cách nối mỏm cắt dạ dày với tá tràng hoặc hỗng tràng theo phương pháp Billroth I hoặc Billroth II hay Roux en Y.

– Cắt bán phần trên dạ dày: Cắt bỏ phần trên dạ dày chứa thương tổn cùng với tâm vị và mạc nối lớn. Phẫu thuật này áp dụng cho những trường hợp thương tổn ở 1/3 trên dạ dày và phần còn lại phải ít nhất là 1/2 dạ dày. Phục hồi lưu thông tiêu hóa bằng cách nối thực quản bụng với phần dạ dày còn lại.

– Cắt toàn bộ dạ dày: Cắt bỏ toàn bộ dạ dày bao gồm cả tâm vị và môn vị cùng với mạc nối lớn. Phẫu thuật này áp dụng cho những trường hợp thương tổn ở 1/3 giữa dạ dày mà khoảng cách từ bờ trên thương tổn đến tâm vị dưới 5 cm hoặc thương tổn ở 1/3 trên dạ dày mà không cắt bán phần trên dạ dày được hoặc thương tổn ở toàn bộ dạ dày. Phục hồi lưu thông tiêu hóa bằng cách nối thực quản bụng với hỗng tràng theo phương pháp Roux en Y hoặc kiểu Omega.

– Cắt dạ dày bảo tồn môn vị

– Cắt 1 phần dạ dày

– Cắt tại chỗ

– Cắt dạ dày mở rộng kèm theo cơ quan khác khi bị xâm lấn và di căn. Cơ quan thường bị xâm lấn là tụy, lách, mạc nối, gan, đại tràng ngang…

2. Vị trí khối u quyết định phương pháp phẫu thuật ung thư dạ dày

Dạ dày là phần rộng nhất của ống tiêu hóa, nối giữa thực quản và tá tràng, nằm ở phần bụng trên, dưới cơ hoành, kéo dài từ hạ sườn trái xuống dưới và qua phải. Dạ dày có 2 mặt( trước và sau), 2 bờ cong( lớn và nhỏ), tâm vị nối với thực quản và môn vị nối với tá tràng. Lần lượt từ trên xuống dưới có:

+ Tâm vị là vùng rộng khoảng 3 – 4cm nằm kế cận thực quản. Vùng này bao gồm cả lỗ tâm vị là chỗ nối thực quản và dạ dày, không có van đóng kín, cấu tạo là một nếp niêm mạc.

+ Đáy vị ở bên trái lỗ tâm vị và ngăn cách với thực quản bụng bởi một khuyết gọi là khuyết tâm vị, là phần phình to hình chỏm cầu, còn được gọi là đáy phình vị.

+ Thân vị là phần tiếp theo đáy vị, hình ống, được cấu tạo bởi hai thành và hai bờ. Giới hạn trên là mặt phẳng qua lỗ tâm vị, giới hạn dưới là mặt phẳng qua khuyết góc bờ cong nhỏ.

+ Hang vị là phần nối tiếp theo thân vị hướng sang phải và hơi ra sau.

+ Ống môn vị thu hẹp lại giống cái phễu và đổ vào môn vị. Ở giữa môn vị là lỗ môn vị thông với hành tá tràng.

Hình ảnh phân chia dạ dày

Về mặt ứng dụng phẫu thuật, Hiệp hội nghiên cứu ung thư dạ dày Nhật Bản, đã xác định vị trí khối u dạ dày theo chiều dọc, dạ dày được chia làm 3 vùng bằng cách nối giữa các điểm chia đều 3 phần ở hai bờ cong lớn và nhỏ, theo ký hiệu như sau: 1/3 trên (U: upper), 1/3 giữa (M: middle) và 1/3 dưới (L: lower).

E: Esophagus (thực quản)

U: Upper (1/3 trên)

M: Middle (1/3 giữa)

L: Lower (1/3 dưới)

D: Duodenum (tá tràng)

3. Giai đoạn bệnh trong ung thư dạ dày quyết định phương pháp điều trị.

Xác định giai đoạn bệnh dựa vào 3 yếu tố cơ bản như sau:

T: Khối u nguyên phát N: Hạch vùng M: Di căn xa
Tx: Không đánh giá được u nguyên phát Nx: Không đánh giá được hạch vùng Mx: Không đánh giá được di căn xa
T0: Không có u nguyên phát N0: Không có di căn hạch vùng M0: Không di căn xa
Tis: Ung thư tại chỗ
T1: U khu trú ở lớp niêm mạc, cơ niêm hoặc dưới niêm mạc N1: Di căn từ 1 đến 2 hạch M1: Có di căn xa
T1a: U khu trú ở niêm mạc hoặc cơ niêm N2: Di căn từ 3 đến 6 hạch
T1b: U lan tới lớp dưới niêm mạc N3: Di căn từ 7 hạch trở lên
T2: U lan tới lớp cơ N3a: Di căn từ 7 đến 15 hạch
T3: U xâm lấn lớp dưới thanh mạc, chưa xâm lấn thanh mạc (phúc mạng tạng) hoặc cấu trúc lân cận N3b: Di căn từ 16 hạch trở lên
T4: U xâm lấn thanh mạc (T4a) hoặc cấu trúc xung quanh (T4b)

 

Các nhóm hạch trong ung thư dạ dày.

Hình ảnh mức độ xâm lấn theo bề dày thành dày

Xếp giai đoạn bệnh: Tổng hợp 3 yếu tố T,N,M để xếp thành từng giai đoạn như sau:

cT cN M
Giai đoạn 0 Tis N0 M0
Giai đoạn I T1 N0 M0
T2 N0 M0
Giai đoạn IIA T1 N1, N2 hoặc N3 M0
T2 N1, N2 hoặc N3 M0
Giai đoạn IIB T3 N0 M0
T4a N0 M0
Giai đoạn III T3 N1, N2 hoặc N3 M0
T4a N1, N2 hoặc N3 M0
Giai đoạn IVA T4b N bất kỳ M0
Giai đoạn IVB T bất kỳ N bất kỳ M1

4. Phẫu thuật ung thư dạ dày cần đạt được những mục tiêu gì để điều trị khỏi bệnh

Cho đến nay, phương pháp điều trị tối ưu nhất đối với ung thư dạ dày vẫn là phẫu thuật triệt căn cắt dạ dày, vét hạch. Các phương pháp khác như hóa trị, xạ trị hay liệu pháp miễn dịch, trúng đích chỉ mang tính hỗ trợ cho phẫu thuật hoặc cho các trường hợp không còn khả năng phẫu thuật.

Phẫu thuật ung thư dạ dày được chỉ định cho những trường hợp thương tổn còn khả năng cắt bỏ được và không có di căn xa. Phẫu thuật không triệt căn chỉ thực hiện không thể giải quyết được triệt để các tổn thương ung thư, đã xâm lấn đến nhiều tạng, di căn phúc mạc, nhằm thiết lập lại lưu thông đường tiêu hóa, để nuôi dưỡng bệnh nhân hoặc cắt giảm nhẹ khối u, dự phòng biến chứng.

Mục tiêu phẫu thuật triệt căn cần đạt được:

– Cắt bỏ rộng rãi phần dạ dày mang khối u sao cho 2 đường cắt không còn tế bào ung thư. Đường cắt dưới luôn vượt qua môn vị ≥ 2cm, đường cắt trên cách khối u ≥ 5 cm

– Cắt bỏ hết mạc nối lớn và mạc nối nhỏ.

– Vét hạch hệ thống thành một khối mức D2.

– Cắt bỏ hoàn toàn các cơ quan bị xâm lấn hoặc di căn. Cắt lách chỉ được thực hiện khi lách hoặc rốn lách bị xâm lấn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *