Cần xét nghiệm gì khi nghi ngờ bị ung thư trực tràng

Hiện tại khoa học kỹ thuật phát triển, có nhiều phương tiện, kỹ thuật để sử dụng trong phát hiện và chẩn đoán bệnh sớm đem lại kết quả điều trị ung thư trực tràng rất tốt.

Nội soi, sinh thiết trực tràng

Nội soi đại – trực tràng là phương pháp thường được sử dụng. Phương pháp cho phép quan sát trực tiếp các tổn thương từ hậu môn đến manh tràng. Qua hình ảnh nội soi đánh giá: vị trí, mức độ xâm lấn chu vi lòng trực tràng, khoảng cách từ rìa hậu môn đến u, tính chất bề mặt của khối u và các tổn thương phối hợp đồng thời cho phép sinh thiết làm giải phẫu bệnh. Tuy nhiên nội soi không thể nhận định chính xác độ xâm lấn thành ruột cũng như không thể đánh giá tình trạng di căn hạch vùng.

Cần xét nghiệm gì khi nghi ngờ bị ung thư trực tràng

Siêu âm nội soi trực tràng

Siêu âm nội soi là một tiến bộ mới trong chẩn đoán ung thư trực tràng. Với việc phân biệt rõ các lớp thành trực tràng, siêu âm nội soi cho phép đánh giá chính xác độ sâu xâm lấn của khối u, đặc biệt trong giai đoạn sớm, điều mà chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ không phải là phương pháp hiệu quả. Chẩn đoán độ sâu xâm lấn của khối u có độ chính xác là 86,5%, cụ thể: T1, T2, T3 và T4 lần lượt là 86,7%, 94%, 86,2% và 65,5%; Chẩn đoán di căn hạch có độ chính xác, độ đặc hiệu và độ nhạy tương ứng 77,8%, 85,6% và 74,2% [44].

Chụp cắt lớp vi tính

Chụp cắt lớp vi tính (CLVT) từ lâu đã được áp dụng trong bệnh lý ung thư trực tràng. Chụp CLVT cho hình ảnh tương đối rõ đối với vị trí và mức độ xâm lấn của khối u và có thể phát hiện ra sự di căn xa và hạch di căn trong ổ bụng. Do đó, cắt lớp vi tính đóng vai trò quan trọng trong đánh giá giai đoạn cũng như quyết định có dùng biện pháp điều trị bổ trợ như xạ trị trước mổ hay không. Đánh giá u giai đoạn tiến triển phương pháp có độ chính xác khoảng từ 80% – 95%. Tuy nhiên, độ chính xác giảm xuống 63% khi phân tích phổ rộng hơn về kích thước u. Tính chung độ chính xác chẩn đoán giai đoạn xâm lấn của u là 73% và giai đoạn hạch là 22% -73%.

Cần xét nghiệm gì khi nghi ngờ bị ung thư trực tràng

Chụp cộng hưởng từ

Chụp cộng hưởng từ (MRI: Magnetic Resonance Imaging) tiểu khung rất có giá trị trong việc đánh giá xâm lấn ung thư trực tràng, tiên lượng khả năng cắt bỏ khối u, đặc biệt có giá trị trong phát hiện các hạch di căn ở mạc treo trực tràng, tình trạng xâm lấn của khối u vào cơ thắt, cơ nâng hậu môn và chẩn đoán u tái phát. Cộng hưởng từ có thể đánh giá chính xác giai đoạn của ung thư trực tràng trong 87,5% các trường hợp. Độ nhạy và độ đặc hiệu của MRI khi đánh giá từng giai đoạn của u nguyên phát lần lượt T2 là 88,9% và 89,1%, T3 là 92,9% và 92,3%, T4 là 81,5 và 100%. Độ nhạy và độ đặc hiệu khi phát hiện hạch bạch huyết di căn là 90,3% và 63,6%.

Hiện nay, khái niệm về diện cắt cắt chu vi trong chụp MRI (CRM/MRI: Circumferential Resection Margin by Magnetic Resonance Imaging) đã được nhiều tác giả quan tâm và cho đây là yếu tố tiên lượng cho chất lượng diện cắt chu vi thu được của phẫu thuật. Theo mạng lưới ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NCCN) năm 2018, CRM/MRI dương tính (CRM/MRI+) được định nghĩa là khoảng cách gần nhất từ khối u đến cân mạc treo trực tràng hoặc tới cơ nâng hậu môn (đối với ung thư trực tràng 1/3 dưới) là ≤ 1mm; hoặc u xâm lấn ống hậu môn hay cơ thắt trong. Diện cắt chu vi âm tính qua chụp MRI (CRM/MRI-) là khi không có những hình ảnh trên. Nghiên cứu MECURY cho thấy, hình ảnh cộng hưởng từ có độ phân giải cao, cho phép xác định CRM/MRI- với độ chính xác khoảng 87% và độ đặc hiệu là 92%. Kỹ thuật có thể áp dụng được chính xác ở nhiều trung tâm để chẩn đoán và giúp tiên lượng khả năng thất bại của phẫu thuật, góp phần vào lựa chọn bệnh nhân trước phẫu thuật.

Cần xét nghiệm gì khi nghi ngờ bị ung thư trực tràng

Hình ảnh u xâm lấn cân mạc treo trực tràng (CRM/MRI+)

– Các chẩn đoán hình ảnh khác

+ Chụp X quang tim – phổi được tiến hành thường qui, để phát hiện những tổn thương di căn của ung thư trực tràng tới phổi hoặc các cơ quan trong lồng ngực.

+ Siêu âm ổ bụng được tiến hành thường quy cho bệnh nhân ung thư trực tràng nhằm phát hiện di căn tại gan và các cơ quan khác.

Xét nghiệm miễn dịch học

CEA (CEA: Carcinoma Embryonic Antigen) là kháng nguyên ung thư biểu mô phôi được tìm thấy trong ung thư trực tràng và một số ung thư khác. CEA được ứng dụng chủ yếu để đánh giá hiệu quả điều trị, theo dõi tái phát và tiên lượng bệnh. Do nồng độ CEA liên quan với kích thước khối u và chu kỳ tái phát sau phẫu thuật nên có thể sử dụng để tiên lượng, theo dõi bệnh nhân trước và sau khi cắt bỏ u hoặc sau mỗi lần thay đổi phác đồ điều trị.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *