PHƯƠNG PHÁP PHẪU THUẬT GIẢM BÉO

 

Bệnh lý béo phì và thừa cân hiện đang ngày càng phổ biến trong xã hội, chính vì thế các phương pháp phẫu thuật giảm béo cũng đã ra đời và trải qua nhiều giai đoạn phát triển nhằm giúp những người béo phì lấy lại vóc dáng và cải thiện sức khỏe. Cho đến hiện nay, trên thế giới có tổng cộng 25 quy trình phẫu thuật giảm cân khác nhau đã được áp dụng, chỉ định cũng như ưu nhược điểm của các phương pháp này đã được thống nhất tại Hội nghị đồng thuận thế giới về tiêu chuẩn phẫu thuật rối loạn chuyển hóa. Sau đây là một số phương pháp phẫu thuật giảm béo phổ biến hiện nay:S

Mục Lục

1. Phương pháp đặt bóng dạ dày: Intragastric Balloon – IGB

\

Liệu pháp đặt bóng dạ dày là một phương pháp tạm thời xâm lấn tối thiểu giúp giảm cân. Bệnh nhân sẽ được đặt một quả bóng mềm, chứa đầy nước muối vào bên trong dạ dày để tạo cảm giác no và làm giảm thể tích dạ dày do hiệu ứng choán chỗ. Để tạo cảm giác no, dung tích quả bóng đặt vào trong lòng dạ dày cần đạt thể tích từ 400 ml trở lên (1). Như với bất kỳ phương pháp nào, việc tuân thủ điều chỉnh lối sống của bệnh nhân là điều cần thiết để đạt được và duy trì giảm cân trong và sau khi điều trị.

Ngoài ra, có một lượng lớn bệnh nhân trên toàn thế giới có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn đã thất bại trong các liệu pháp giảm cân thông thường và tìm kiếm các phương pháp điều trị tối thiểu hoặc không xâm lấn.

Các báo cáo kết quả ngắn hạn cho thấy đặt bóng dạ dày là phương pháp hiệu quả hơn so với can thiệp lối sống, ít tốn kém, ít xâm lấn và ít rủi ro hơn so với phẫu thuật. Đặt bóng dạ dày cũng có thể được sử dụng là bước chuẩn bị cho những bệnh nhân bị béo phì nặng làm cầu nối cho phẫu thuật giảm béo khác (2).

Chỉ định của phương pháp đặt bóng dạ dày bao gồm:

  1. Những bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì loại 1 (BMI từ 27 đến dưới 35) mà không có bệnh kết hợp, những bệnh nhân này không có chỉ định phẫu thuật nhưng cần thực hiện các biện pháp giảm cân nhằm ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến thừa cân và béo phì do vậy đặt bóng dạ dày là lựa chọn ưu tiên (3).

  2. Những bệnh nhân có BMI từ 35 đến 40: phẫu thuật giảm béo là lựa chọn tối ưu, tuy vậy có một tỉ lệ nhất định bệnh nhân không đồng ý phẫu thuật do lo ngại những rủi ro có thể gặp phải, những trường hợp này cần hướng tới lựa chọn đặt bóng dạ dày (4).

  3. Những bệnh nhân béo phì mức độ nặng (BMI trên 50): đặt bóng dạ dày có thể được sử dụng như là bước chuẩn bị cho phẫu thuật, lý do là những bệnh nhân béo phì mức độ nặng có thể gặp những rủi ro cao trong phẫu thuật như biến chứng gây mê, thành bụng với lớp mỡ dày và gan nhiễm mỡ kích thước lớn gây khó khăn cho phẫu thuật (5).

Các loại bóng sử dụng trong phương pháp đặt bóng dạ dày

Bóng Orbera: Được làm bằng vật liệu silicon, dạng hình cầu đơn, có dung tích từ 400ml đến 700ml, bên trong chứa nước muối, bóng được đặt vào trong dạ dày với thời gian sáu tháng, sau đó được lấy bỏ qua nội soi dạ dày. Đây là loại bóng được sử dụng phổ biến nhất hiện nay do độ an toàn và thuận tiện. Cân nặng dư thừa giảm trung bình (EWL) tại thời điểm sáu tháng là 32%.

Bóng ReShape: Là loại bóng kép gồm 2 bóng đơn, mỗi bóng chứa 450ml nước muối, chất liệu silicon, thời gian lưu bóng trong sáu tháng và cũng được lấy bỏ qua nội soi. Lý do có tới hai quả bóng được giải thích là khi có một quả bóng vỡ, quả bóng còn lại sẽ ngăn không cho cụm bóng đi vào ruột non tránh biến chứng tắc ruột. Cân nặng dư thừa giảm trung bình (EWL) tại thời điểm sáu tháng là 28%.

 

Bóng Obalon: Là hệ thống gồm 3 bóng riêng biệt, được đặt vào trong dạ dày lần lượt cách nhau một tháng, bóng được bơm khí qua kênh kết nối với bên ngoài qua đường miệng, rút bóng được thực hiện qua nội soi tại thời điểm sau sáu tháng đặt quả bóng đầu tiên. Cân nặng giảm trung bình (TBWL) tại thời điểm sáu tháng là 6.8%.

Bóng Spatz: Bóng có cấu trúc tương tự bóng Orbera, nhưng khác là có thêm kênh điều chỉnh kích cỡ, theo đó trong thời gian lưu bóng bác sỹ có thể bơm thêm hoặc rút bớt thể tích của bóng, thời gian lưu bóng có thể kéo dài đến một năm, do vậy bóng thích hợp với những bệnh nhân muốn có thời gian điều trị lâu hơn. Cân nặng dư thừa giảm trung bình (EWL) tại thời điểm sáu tháng là 45 %.

Bóng Elipse: Là bóng dạng hình cầu làm bằng chất liệu polyurethane, dung tích 550ml, được bơm đầy nước muối qua kênh dẫn, trên bóng có van tự hủy theo thời gian, bóng được lưu trong thời gian khoảng 4 tháng, sau đó van tự hủy sẽ mở làm bóng xẹp lại và được đào thải qua đường tự nhiên, bóng sẽ thích hợp với những bệnh nhân không muốn nội soi can thiệp lấy bóng sau thời gian điều trị. Cân nặng dư thừa giảm trung bình (EWL) tại thời điểm sáu tháng là 37%.

Những vấn đề gặp phải sau phương pháp phẫu thuật giảm béo đặt bóng:

Các tác dụng phụ thường gặp: Trong thời gian đầu sau khi đặt bóng dạ dày phần lớn bệnh nhân sẽ xuất hiện một số triệu chứng đường tiêu hóa do hiệu ứng choán chỗ của bóng và sự tiếp xúc của bóng với thành dạ dày. Các triệu chứng điển hình bao gồm buồn nôn, nôn, đau bụng, trào ngược axit, ợ hơi, khó tiêu và táo bón. Các triệu chứng này có thể được điều trị bằng thuốc giảm tiết kết hợp với chống nôn và kháng Cholin.

Trong một phân tích hồi cứu của hơn 1000 trường hợp được thực hiện từ năm 2016 đến 2017, có 7,2% bệnh nhân rối loạn nước điện giải cần điều trị, tỉ lệ bệnh nhân cần điều chỉnh bóng là 7,2%, có 1,1% bệnh nhân cần đặt lại bóng(6). Trong một nghiên cứu khác trên 145.000 bệnh nhân, phương pháp đặt bóng có tỷ lệ biến cố bất lợi cao hơn so với phẫu thuật nội soi giảm béo (OR: 1,97, 95% CI 1,10-3,52) do tỷ lệ tái can thiệp cao hơn đáng kể (4.2% so với 1.0%)(7).

Tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra trong trường hợp bóng để quá thời gian lưu bóng, một số bóng vỡ ra và đi vào trong lòng ruột gây tắc ruột(8), các biến chứng trầm trọng khác bao gồm nôn mửa dữ dội, đau vùng thượng vị, buồn nôn, loét chảy máu, tắc nghẽn dạ dày và thủng dạ dày(9).

2. Phẫu thuật giảm béo nội soi thắt đai dạ dày (Laparoscopic Adjustable Gastric Bande-LAGB)

Đây là phẫu thuật thu nhỏ thể tích phần tiếp nhận thức ăn của dạ dày bằng cách đặt một vòng đai Silicon vào cực trên của dạ dày.

Phẫu thuật được thực hiện và báo cáo lần đầu tiên bởi TS. Kuzmak tại Mỹ và TS. Dag Hallberg tại Thụy sĩ năm 1986. Ban đầu các tác giả thực hiện thắt đai thông qua mổ mở, cho đến năm 1992 GS. Guy-Bernard Cadière là người đầu tiên thực hiện kỹ thuật này qua nội soi.

Trải qua nhiều thập kỷ với sự phát triển của các phẫu thuật thay thế, phẫu thuật nội soi thắt đai dạ dày đã từng chiếm ưu thế vượt trội về tỉ lệ áp dụng trên toàn thế giới, nhưng hiện nay đã dần thu hẹp về chỉ định. Năm 2003 tỉ lệ phẫu thuật thắt đai chiếm 24% trong số các phẫu thuật giảm béo, nhưng tỉ lệ phẫu thuật này đã giảm xuống còn 7.4% vào năm 2014(10), sở dĩ có sự suy giảm tỉ lệ này là do có sự ra đời của các phương pháp phẫu thuật khác vượt trội hơn về hiệu quả giảm cân và điều trị các bệnh kết hợp (11).

Các biến chứng sau mổ bao gồm: ăn mòn thành dạ dày (3.2%), thay đổi vị trí băng (26%), chuyển đổi phương pháp phẫu thuật (8.6%), phì đại phần dạ dày thu hẹp (29.9%)(14).

3. Phương pháp phẫu thuật giảm béo thu nhỏ dạ dày hình ống (Laparoscopic sleeve gastrectomy- LSG)

Ban đầu phẫu thuật này là một bước của một số phẫu thuật giảm béo khác (như BPD /DS; RYGBP), sau đó được thực hiện với vai trò độc lập bởi Gagner vào đầu những năm 2000 (15). Với tỉ lệ an toàn phẫu thuật rất cao và hiệu quả ngắn hạn cũng như dài hạn, phẫu thuật này đã phát triển với tốc độ rất nhanh và hiện tại trở thành phẫu thuật được thực hiện nhiều nhất trên toàn thế giới (45,9%) [8].

Phẫu thuật giảm béo thu nhỏ dạ dày được thực hiện nội soi hoàn toàn, phẫu thuật viên sẽ thu nhỏ dạ dày lại dọc theo bờ cong nhỏ dưới sự định hướng của dụng cụ chuyên biệt nhằm tránh hẹp ống dạ dày tân tạo, phẫu thuật sẽ loại bỏ khoảng 70 đến 80 phần trăm dạ dày phía bờ cong lớn, tạo ra một ống dạ dày hẹp với thể tích khoảng 150 đến 200 mL.

Mục đích của phẫu thuật là nhằm thu nhỏ dạ dày và loại bỏ phần đáy vị nơi có các tế bào chế tiết ra Ghrelin (một loại hooc môn tạo ra trạng thái thèm ăn hoặc tăng cảm giác ngon miệng), từ đó làm giảm lượng thức ăn đưa vào hàng ngày và giúp bệnh nhân không còn muốn ăn nhiều như trước khi phẫu thuật.

Chỉ định cho phẫu thuật giảm béo thu nhỏ dạ dày hình ống

Dựa theo kết quả hội nghị đồng thuận Châu Á về phẫu thuật điều trị bệnh béo phì và chuyển hóa diễn ra ngày 24 tháng 2 năm 2011 tại Hokkaido-Nhật Bản(16):

  1. Bệnh nhân có BMI ≥ 35 có hoặc không có bệnh kết hợp.

  2. Bệnh nhân có BMI ≥ 30 kết hợp đái tháo đường typ II hoặc hội chứng chuyển hóa.

  3. Bệnh nhân đái tháo đường typ II khó kiểm soát hoặc hội chứng chuyển hóa với BMI ≥ 27,5 (cân nhắc).

  4. Khuyến cáo thực hiện: độ tuổi từ 19 tuổi đến 65 tuổi.

Chống chỉ định: khi bệnh nhân có kết hợp các bệnh sau:

Bệnh lý trào ngược thực quản mức độ nặng hoặc thực quản Berret, thoát vị hoành, bệnh nhân đang có bệnh lý ác tính, loét dạ dày hoặc loét hành tá tràng, hoặc bệnh nhân không đồng ý mổ

Hiệu quả của phương pháp phẫu thuật giảm béo thu nhỏ dạ dày hình ống

Kết quả sau mổ của các bệnh nhân phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày được ghi nhận rất khả quan cả trong ngắn hạn và dài hạn. Các báo cáo trên thế giới cho thấy phẫu thuật này giúp giảm được 50% -70% khối lượng dư thừa của bệnh nhân trong thời gian từ 11 tháng đến 60 tháng sau mổ.

Nghiên cứu phân tích tổng hợp năm 2017 (dựa trên kết quả 20 nghiên cứu theo dõi sau mổ trên 5 năm) với 2.713 bệnh nhân và 1.626 bệnh nhân được theo dõi ≥5 năm cho thấy: Cân nặng dư thừa giảm trung bình tại thời điểm 5 năm đạt 58,4%, tại các thời điểm 6, 7, 8, và 11 năm lần lượt là 59.5%, 56.6%, 56.4%, và 62.5% (17).

Phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày hình ống cũng đã được chứng minh có hiệu quả đối với bệnh nhân đái tháo đường typ II kèm theo thừa cân hoặc béo phì.

Kết quả 5 năm đối với 402 bệnh nhân đái tháo đường typ II được báo cáo trong nghiên cứu phân tích tổng hợp năm 2016 ( bao gồm 11 nghiên cứu, n = 1354) cho thấy tại thời điểm 5 năm có 60,8% bệnh nhân sau mổ không còn tiểu đường, mức glucose máu lúc đói trung bình (FPG) giảm từ 9.5 xuống 6.2 mmol/l và và giá trị HbA1C trung bình giảm từ 8,3% xuống 6,7%(18).

Phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày hình ống được ghi nhận là có độ an toàn cao, tỉ lệ tai biến và biến chứng sau mổ thấp. Nghiên cứu đồng thuận đã chỉ ra hẹp ống dạ dày tân tạo là biến chứng thường thấy nhất (trung bình 2,1 ± 8,4%,) và rò tiêu hóa là biến chứng nặng nhất (trung bình 2,4 ± 7,6%)(15). Biến chứng xa thường gặp là tình trạng trào ngược thực quản, tình trạng này có thể điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton.

Trong trường hợp các biến chứng kéo dài điều trị nội khoa không triệt để thì có chỉ định phẫu thuật can thiệp, và Roux en Y Gastric bypass là phẫu thuật được ưu tiên lựa chọn(19), tỷ lệ tái phẫu thuật trung bình là 4,7 ± 8,3% (15).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *