Dấu hiệu nhận biết chảy máu ổ loét dạ dày tá tràng

40 – 45% các loại chảy máu tiêu hóa, xuất huyết tiêu hoá bắt nguồn từ loét dạ dày tá tràng. Chảy máu ổ loét dạ dày tá tràng hoàn toàn có thể điều trị bằng thuốc, nhưng nguy cơ cao dẫn đến những triệu chứng nặng nề hơn, thậm chí có thể tử vong (tỷ lệ tử vong lên đến 10%). Đâu là những dấu hiệu nhận biết chảy máu ổ loét dạ dày tá tràng? Cùng Dr.NguyenAnhTuan tìm hiểu chi tiết nhé!

Tiền sử loét dạ dày tá tràng

Tiền sử loét dạ dày – tá tràng: bệnh nhân thường có tiền sử loét dạ dày – tá tràng nhiều năm. Thông thường từ 15-20 năm. Có các đợt đau kéo dài sau đó xuất hiện chảy máu tiêu hoá (78,9%). Có thể có những bệnh nhân đã xác định là có tổn thương loét bằng nội soi thực quản dạ dày. Cần phải khai thác kỹ bệnh nhân vào viện.

Tiền sử loét dạ dày tá tràng

Tiền sử chảy máu: bệnh nhân có thể có nhiều lần chảy máu tiêu hoá được xác định là chảy máu do loét dạ dày – tá tràng, đã điều trị nội khoa hoặc tự cầm và ổn định. Khi xuất hiện chảy máu có thể chẩn đoán  được bằng lâm sàng là chảy máu do loét dạ dày – tá tràng.

Không có tiền sử loét dạ dày – tá tràng: 33% bệnh nhân không có các dấu hiệu loét dạ dày – tá tràng. Đó là những trường hợp loét bờ cong nhỏ, ổ loét mặt sau, ổ loét xơ chai, tiến triển âm thầm, thường hay gặp ở người già. Hoặc là những trường hợp loét cấp tính, hoàn toàn không có tiền sử, chảy máu là dấu hiệu đầu tiên của thương tổn, hay gặp ở người trẻ.

Hoàn cảnh chảy máu

Bệnh nhân có các đợt đau kéo dài vài ngày hay một vài tuần. Được điều trị hoặc không điều trị thuốc dạ dày. Xuất hiện nôn ra máu và đi ngoài phân đen. Có thể chảy máu dữ dội ngay từ đầu nhưng cũng có khi chảy máu ít và dần dần tăng lên. 16% loét hành tá tràng và 33% loét bờ cong nhỏ không có dấu hiệu báo trước. Các dấu hiệu như nôn ra máu và đi ngoài phân đen xuất hiện cũng đồng thời.

Dấu hiệu nhận biết chảy máu ổ loét dạ dày tá tràng

Một số trường hợp xuất hiện sau làm việc căng thẳng, sau những chấn thương tinh thần, sau thời gian điều trị phẫu thuật…

Các triệu chứng lâm sàng

Dấu hiệu cơ năng

  • Buồn nôn và nôn ra máu: bệnh nhân có cảm giác đầy bụng, khó chịu, buồn nôn và sau đó nôn ra máu. Máu đỏ sẫm, lẫn máu cục và thức ăn. Có trường hợp nôn ra máu tươi dữ dội, nhất là những trường hợp ổ loét nằm cao, ở  phần đứng bờ cong nhỏ.  Người già, trung niên thường gặp các ổ loét to ở bờ cong nhỏ hoặc thân vị. Nếu nôn ra máu đen sẫm hay nước máu đen loãng thường là những ổ loét hành tá tràng.

Dấu hiệu nhận biết chảy máu ổ loét dạ dày tá tràng

Dấu hiệu nôn ra máu

  • Đau bụng: ít khi đau dữ dội. Có thể chảy máu trong đợt đau âm ỉ. Cảm giác đau, nóng rát ở vùng trên rốn. Có khi đau bụng xuất hiện trước khi chảy máu vài ngày.
  • Đi ngoài phân đen: xuất hiện khi nôn ra máu hoặc là xuất hiện ngay từ đầu tiên. Bệnh nhân thường đi ngoài nhiều lần, phân đen như bã cà phê hoặc như hắc ín, mùi thối khắm.

Dấu hiệu toàn thân

  • Tình trạng bệnh nhân thể hiện mức độ mất máu. Có dấu hiệu rối loạn huyết động tuỳ theo mất máu nhiều hay ít mà có các biểu hiện như sau:
  • Bệnh nhân có cảm giác hoa mắt, chóng mặt hoặc ngất sau khi nôn máu hay đi ngoài phân đen. Da xanh tái, nhợt vã mồ hôi.
  • Huyết động thay đổi: mạch nhanh > 90 lần/phút.
  • Huyết áp động mạch giảm. Có thể tụt dưới 80 mm Hg.
  • Trường hợp chảy máu ít, từ từ, sẽ không thấy biểu hiện sốc mất máu.

Dấu hiệu thực thể

  • Không có dấu hiệu gì rõ rệt. Có thể bệnh nhân có dấu hiệu đau tức trên rốn. Các điểm đau dạ dày – tá tràng ít khi đặc hiệu. Có các dấu hiệu âm tính khác như:
  • Không sờ thấy u.
  • Không thấy gan to.
  • Không có tuần hoàn bàng hệ, lách không to.
  • Gan không to, không vàng da, vàng mắt.
  • Thăm trực tràng: có phân đen, không có máu tươi theo tay, không có u, polip…

Tóm lại, trên những bệnh nhân có biểu hiện chảy máu ổ loét dạ dày tá tràng, chảy máu đường tiêu hoá trên, có tiền sử hay không? Cần phải xác định bằng chẩn đoán lâm sàng để có chỉ định những thăm dò cận lâm sàng khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *