Chẩn đoán viêm ruột thừa cấp có khó không?

Viêm ruột thừa cấp là bệnh ngoại tiêu hóa hay gặp nhất, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới biến chứng viêm phúc mạc đe dọa tới tính mạng bệnh nhân. Vì thế vấn đề đặt ra là chẩn đoán kịp thời và chính xác, chúng ta cần nắm rõ các thể rất đặc biệt trên lâm sàng và phân biệt với các bệnh lý cụ thể sau.

I. Một số thể viêm ruột thừa cấp trên lâm sàng

Các vị trí giải phẫu bất thường của ruột thừa

1. Viêm ruột thừa cấp sau manh tràng

  • Điểm đau ở trên mào chậu phải.
  • Một số trường hợp viêm nhiễm lan tới tổ chức sau phúc mạc thì lâm sàng rầm rộ hơn: sốt cao 39-40oC, ấn đau toàn bộ vùng thắt l­ưng phải.
  • Siêu âm và cắt lớp vi tính thấy ruột thừa sau manh tràng.

2. Viêm ruột thừa tiểu khung

  • Đau ở vùng hạ vị.
  • Bệnh nhân có cảm giác mót đi ngoài kiểu lỵ và mót tiểu.
  • Thăm trực tràng âm đạo có điểm đau chói ở túi cùng bên phải.
  • Siêu âm và cắt lớp vi tính thấy ruột thừa nằm trong hố chậu bé.

3. Viêm ruột thừa cấp giữa các quai ruột

  • Đau vùng quanh rốn.
  • Khám thấy điểm đau khu trú, tăng dần ở quanh rốn.
  • Th­ường có triệu chứng bán tắc ruột.
  • Siêu âm và cắt lớp vi tính thấy ruột thừa nằm giữa các quai ruột.

4. Viêm ruột thừa hố chậu trái

  • Điểm đau khu trú, tăng dần ở hố chậu trái.
  • Trường hợp nghi ngờ phải kiểm tra vị trí của gan, tim, nếu 2 cơ quan trên đảo lộn, thì khả năng RT cũng nằm bên trái.
  • Siêu âm và cắt lớp vi tính thấy ruột thừa nằm ở hố chậu trái.

5. Viêm ruột thừa dưới gan

  • Đau và phản ứng cơ vùng hạ sư­ờn phải, có hội chứng nhiễm khuẩn, dễ nhầm với viêm túi mật cấp.
  • Dấu hiệu Rowsing giúp cho chẩn đoán phân biệt. Dấu hiệu Rowsing dương tính cho phép nghĩ nhiều tới VRTC.
  • Siêu âm và cắt lớp vi tính thấy ruột thừa nằm dưới gan.

6. Viêm ruột thừa cấp ở trẻ em

Viêm ruột thừa cấp gặp ở trẻ em gặp khoảng 20 trường hợp/10.000 dân số chung/năm. Lâm sàng VRTC ở trẻ em thường thấy:

  • Sốt cao mạch nhanh.
  • Nôn và buồn nôn.
  • Tiến triển nhanh, thường dẫn đến viêm phúc mạc toàn bộ, nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng.

7. Viêm ruột thừa cấp ở người lớn tuổi

Một số tác giả cho rằng sự giảm khả năng đáp ứng với nhiễm khuẩn ở người lớn tuổi làm cho các triệu chứng lâm sàng không điển hình, vì vậy khám và chẩn đoán viêm ruột thừa cấp ở người lớn tuổi khó khăn, bệnh nhân thường được chẩn đoán chậm. Biến chứng thủng ruột thừa hay gặp hơn (xuất hiện hơn 50% những bệnh nhân trên 65 tuổi). Người lớn tuổi thường có các bệnh mạn tính phối hợp như tim mạch, phổi, thận… dẫn đến tăng tỷ lệ biến chứng và tử vong. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân trên 80 tuổi bị viêm ruột thừa biến chứng thủng tới 21%. Triệu chứng viêm ruột thừa cấp ở người lớn tuổi th­ường nghèo nàn.

  • Đau âm ỉ, có bệnh nhân chỉ thấy tức nặng vùng hố chậu phải.
  • Không sốt hoặc sốt nhẹ.
  • Phản ứng cơ vùng hố chậu phải yếu, nhất là ở những ng­ười đã chửa đẻ nhiều lần.

8. Viêm ruột thừa cấp ở phụ nữ có thai

Tỷ lệ ở phụ nữ có thai gặp khoảng 1/1.400 người. Chẩn đoán viêm ruột thừa ở những bệnh nhân mang thai cũng khó khăn, do các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, chán ăn cũng hay gặp ở người có thai. Hơn thế, khi thai phát triển ở tử cung làm thay đổi vị trí các tạng trong ổ bụng.

Lâm sàng viêm ruột thừa cấp ở phụ nữ có thai:

  • Vị trí đau cao hơn, th­ường ở vùng hạ sư­ờn phải.
  • Phản ứng cơ nhẹ hoặc không rõ, vì có tử cung ngăn cản nên quá trình viêm chậm ảnh hưởng tới thành bụng trư­ớc, mặt khác do cơ đang bị giãn nên co yếu đi.
  • Bệnh nhân nằm ngửa, lấy ngón tay đẩy nhẹ khối thai từ bên trái bệnh nhân đau ở bên phải.
  • Nên để bệnh nhân nằm nghiêng trái thăm khám tìm điểm đau.
  • Cần chẩn đoán phân biệt với viêm bể thận ở ng­ười có thai.

II. Chẩn đoán phân biệt viêm ruột thừa cấp

1. Cơn đau quặn thận phải

Cơn đau quặn thận phải

  • Đau vùng bụng phải, như­ng lan xuống bẹn, bìu.
  • Rối loạn tiểu tiện: đái buốt, đái dắt.
  • Nước tiểu có hồng cầu và bạch cầu.
  • Chụp XQ không chuẩn bị thấy hình cản quang ở niệu quản phải hay bàng quang.

2. Viêm phần phụ ở nữ giới

  • Th­ường đau cả 2 hố chậu.
  • Khí hư­ (dịch chảy ra ở âm đạo).

3. U nang buồng trứng phải xoắn

  • Đau hố chậu phải đột ngột, dữ dội hơn.
  • Siêu âm: thấy nang buồng trứng.
  • Khi mổ: thấy dịch hồng ở Douglas.

4. Chửa ngoài tử cung bên phải bị vỡ

  • Phụ nữ tuổi sinh đẻ thấy chậm kinh và triệu chứng thai nghén.
  • Triệu chứng chảy máu trong.
  • Thăm âm đạo: cùng đồ Douglas phồng, đau và có máu theo tay.
  • Xét nghiệm máu thấy hồng cầu, huyết sắc tố, hematocrit giảm.
  • Siêu âm thấy dịch trong ổ bụng.
  • Chọc hút ổ bụng có máu.

5. Viêm cơ thắt lư­ng chậu bên phải

  • Đau vùng hố chậu phải.
  • Hội chứng nhiễm khuẩn.
  • Triệu chứng đặc biệt: chân phải luôn co, không duỗi đ­ược.

6. Lồng hồi manh tràng

  • Đau từng cơn ở hố chậu phải hoặc cao hơn.
  • Rối loạn đại tiện, phân có máu.
  • Khám thấy khối bất thường vùng hố chậu phải, lúc có, lúc mất.
  • Siêu âm và chụp CT thấy hình ảnh bất thường vùng hồi-manh tràng.

7. Viêm đại tràng

  • Rối loạn đại tiện: đau bụng từng cơn, giữa các cơn bệnh nhân không còn cảm giác đau. Phân th­ường nát, có thể kèm theo nhầy mũi.
  • Đau dọc theo khung đại tràng.
  • Bệnh tái phát nhiều lần.

8. Viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp

  • Đau nhiều vùng th­ượng vị, có thể đau khắp bụng,
  • Bụng chướng, ấn điểm sườn-thắt lư­ng trái đau.
  • Xét nghiệm amylase máu, amylase nước tiểu tăng.
  • Siêu âm thấy tụy to, bờ không đều.

9. Viêm dạ dày cấp

  • Đau vùng thư­ợng vị, kèm đầy bụng, ợ hơi.
  • Phản ứng cơ vùng th­ượng vị, các vùng khác vẫn mềm.
  • Không có điểm đau khu trú.

10. Thủng ổ loét dạ dày-tá tràng

  • Đau đột ngột dữ dội vùng th­ượng vị.
  • Co cứng cơ thành bụng.
  • XQ thấy có liềm hơi dưới hoành.

11. Nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn

  • Khai thác thấy bệnh nhân ăn phải thức ăn lạ, để lâu.
  • Nôn, buồn nôn, đau khắp bụng và đi lỏng nhiều lần.
  • Thành bụng mềm, không có điểm đau khu trú. Các quai ruột chư­ớng, mỗi lần ấn vào quai ruột bệnh nhân mới đau.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *