Điều trị bệnh nhân thủng ổ loét dạ dày!!!!!

Có nhiều phương pháp điều trị đối với thủng ổ loét dạ dày-tá tràng, lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào đặc điểm tổn thương của lỗ thủng và ổ loét, tình trạng bệnh nhân, kinh nghiệm của phẫu thuật viên và cơ sở điều trị.

1. Khâu lỗ thủng

  • Khâu lỗ thủng là phẫu thuật thường dùng nhất, có thể khâu lỗ thủng bằng phẫu thuật mổ mở truyền thống hoặc phẫu thuật nội soi. Hiện nay, có nhiều thuốc điều trị loét rất hiệu quả, vì vậy tỷ lệ khâu lỗ thủng ngày càng cao hơn nhiều so với những năm trước đây.
  • Chỉ định khâu lỗ thủng đơn thuần tốt nhất đối với lỗ thủng trên nền ổ loét non mềm mại, lỗ thủng không có biến chứng chảy máu, hẹp môn vị, lỗ thủng trên bệnh nhân không có khả năng điều trị phẫu thuật triệt căn (cắt dạ dày hoặc cắt dây X).
  • Chỉ định khâu lỗ thủng tuyệt đối cho các trường hợp thủng do stress, loét Curling, loét do dùng thuốc.

Phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng

  • Không nên khâu lỗ thủng trong trường hợp lỗ thủng to trên nền ổ loét xơ chai ở dạ dày, hoặc ở tá tràng khi khâu có khả năng hẹp môn vị, ở bệnh nhân đến viện muộn trong tình trạng viêm phúc mạc nặng.
  • Kỹ thuật khâu có thể khâu một lớp toàn thể, hoặc hai lớp. Mũi chỉ khâu phải vào tổ chức lành xa ổ loét theo hướng song song với trục dạ dày, tá tràng để tránh hẹp. Trường hợp ổ loét xơ chai khó khâu, có thể lấy bỏ ổ loét sau đó khâu tạo hình. Khi khâu thấy không chắc thì nên đắp mạc nối tăng cường. Sau khi khâu kiểm tra thấy hẹp môn vị thì phải nối vị tràng.

2. Cắt dạ dày

  • Cắt dạ dày có ưu điểm là phẫu thuật triệt căn, nên không cần điều trị loét sau mổ. Song vẫn có nguy cơ loét tái phát sau mổ (khoảng 1-3%). Hơn nữa cắt dạ dày là phẫu thuật lớn có nhiều biến chứng trong và sau mổ. Đặc biệt là phẫu thuật không sinh lý nên ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy, chỉ định cắt dạ dày cấp cứu cần cân nhắc cẩn thận.

Phẫu thuật cắt đoạn dạ dày

  • Chỉ định cắt dạ dày đối với bệnh nhân loét thủng có hẹp môn vị, loét xơ chai khó khâu hoặc khâu được nhưng tiên lượng điều trị nội khoa khó khăn. Bệnh nhân khỏe, đến viện sớm, bụng sạch.

3. Khâu lỗ thủng và cắt dây X

  • Cắt dây X chỉ áp dụng đối với thủng ổ loét tá tràng, bệnh nhân đến sớm, bụng sạch. Cắt dây X là phẫu thuật triệt căn, phẫu thuật nhẹ nhàng và sinh lý hơn so với cắt dạ dày, song tỷ lệ loét tái phát cao (2-15%). Vì vậy ngày nay ít áp dụng. Phẫu thuật cắt dây X có thể là cắt thân hai dây X, hoặc cắt dây X siêu chọn lọc.

4. Dẫn lưu lỗ thủng

  • Phương pháp được Newmann thực hiện năm 1912. Dẫn lưu lỗ thủng được thực hiện đối với ổ loét to xơ chai hoặc mủn nát, không thể khâu được mà cũng không có khả năng cắt dạ dày. Hoặc thủng dạ dày đến quá muộn, tình trạng viêm phúc mạc nặng, ổ bụng quá bẩn, hoặc thể trạng bệnh nhân quá yếu, khả năng liền vết thương khó. Trong tình trạng trên, dẫn lưu lỗ thủng là biện pháp duy nhất cứu sống bệnh nhân.
  • Qua lỗ thủng đưa một ống thông vào trong, khâu kín chân ống thông và cuốn mạc nối xung quanh. Cố định chân ống thông vào thành bụng. Để một vài dẫn lưu ổ bụng.

5. Hút liên tục

  • Phương pháp được Taylor áp dụng từ năm 1946. Phương pháp có thể điều trị cho bệnh nhân thủng bít, xa bữa ăn, đến viện sớm. Song ít được áp dụng vì không an toàn. Ngày nay, phương pháp này chỉ điều trị cho bệnh nhân không có điều kiện phẫu thuật, chờ đợi chuyển về tuyến sau để mổ.
  • Đặt xông dạ dày qua mũi, hút cách quãng 15-30 phút một lần. Dùng kháng sinh, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch. Theo dõi nhiệt độ, cảm giác đau của bệnh nhân, tình trạng thành bụng và nhu động ruột. Các triệu chứng trên cải thiện là tiến triển tốt, nếu xấu đi cần phải mổ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *