Phương pháp đặt bóng dạ dày giảm cân

Liệu pháp đặt bóng dạ dày là một phương pháp tạm thời xâm lấn tối thiểu giúp giảm cân. Bệnh nhân sẽ được đặt một quả bóng mềm, chứa đầy nước muối vào bên trong dạ dày để tạo cảm giác no và làm giảm thể tích dạ dày do hiệu ứng choán chỗ.

1. Đặt bóng dạ dày giảm cân: Intragastric Balloon – IGB

Đặt bóng dạ dày

Liệu pháp đặt bóng dạ dày là một phương pháp tạm thời xâm lấn tối thiểu giúp giảm cân. Bệnh nhân sẽ được đặt một quả bóng mềm, chứa đầy nước muối vào bên trong dạ dày để tạo cảm giác no và làm giảm thể tích dạ dày do hiệu ứng choán chỗ. Để tạo cảm giác no, dung tích quả bóng đặt vào trong lòng dạ dày cần đạt thể tích từ 400 ml trở lên.

Như với bất kỳ phương pháp nào, việc tuân thủ điều chỉnh lối sống của bệnh nhân là điều cần thiết để đạt được và duy trì giảm cân trong và sau khi điều trị.

Trong số những người đủ điều kiện để phẫu thuật giảm cân, có tới 99% không chấp nhận hoặc không tiếp cận được với phẫu thuật, vì sợ các biến chứng, đối mặt với thực tế và chi phí phẫu thuật. Ngoài ra, có một lượng lớn bệnh nhân trên toàn thế giới có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hơn đã thất bại trong các liệu pháp giảm cân thông thường và tìm kiếm các phương pháp điều trị tối thiểu hoặc không xâm lấn.

Các báo cáo kết quả ngắn hạn cho thấy đặt bóng dạ dày là phương pháp hiệu quả hơn so với can thiệp lối sống, ít tốn kém, ít xâm lấn và ít rủi ro hơn so với phẫu thuật. Đặt bóng dạ dày cũng có thể được sử dụng là bước chuẩn bị cho những bệnh nhân bị béo phì nặng làm cầu nối cho phẫu thuật giảm béo khác.

2. Chỉ định của phương pháp đặt bóng dạ dày bao gồm:

  1. Những bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì loại 1 (BMI từ 25 đến dưới 27,5) mà không có bệnh kết hợp, những bệnh nhân này không có chỉ định phẫu thuật nhưng cần thực hiện các biện pháp giảm cân nhằm ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến thừa cân và béo phì do vậy đặt bóng dạ dày là lựa chọn ưu tiên.
  2. Những bệnh nhân có BMI từ 35 đến 40: phẫu thuật giảm béo là lựa chọn tối ưu, tuy vậy có một tỉ lệ nhất định bệnh nhân không đồng ý phẫu thuật do lo ngại những rủi ro có thể gặp phải, những trường hợp này cần hướng tới lựa chọn đặt bóng dạ dày.
  3. Những bệnh nhân béo phì mức độ nặng (BMI trên 50): đặt bóng dạ dày có thể được sử dụng như là bước chuẩn bị cho phẫu thuật, lý do là những bệnh nhân béo phì mức độ nặng có thể gặp những rủi ro cao trong phẫu thuật như biến chứng gây mê, thành bụng với lớp mỡ dày và gan nhiễm mỡ kích thước lớn gây khó khăn cho phẫu thuật.

3. Có những loại bóng dạ dày nào?

Hiện nay có nhiều loại bóng đang được sử dụng trên lâm sàng, các loại bóng này khác nhau về chất liệu, kích thước, khả năng điều chỉnh bóng, phương pháp đưa bóng vào và thời gian lưu bóng. Nhìn chung gồm các loại bóng sau:

Các loại bóng dạ dày

Bóng Orbera: Được làm bằng vật liệu silicon, dạng hình cầu đơn, có dung tích từ 400ml đến 700ml, bên trong chứa nước muối, bóng được đặt vào trong dạ dày với thời gian sáu tháng, sau đó được lấy bỏ qua nội soi dạ dày. Đây là loại bóng được sử dụng phổ biến nhất hiện nay do độ an toàn và thuận tiện. Cân nặng dư thừa giảm trung bình (EWL) tại thời điểm sáu tháng là 32%.

Bóng ReShape: Là loại bóng kép gồm 2 bóng đơn, mỗi bóng chứa 450ml nước muối, chất liệu silicon, thời gian lưu bóng trong sáu tháng và cũng được lấy bỏ qua nội soi. Lý do có tới hai quả bóng được giải thích là khi có một quả bóng vỡ, quả bóng còn lại sẽ ngăn không cho cụm bóng đi vào ruột non tránh biến chứng tắc ruột. Cân nặng dư thừa giảm trung bình (EWL) tại thời điểm sáu tháng là 28%

Bóng Obalon: Là hệ thống gồm 3 bóng riêng biệt, được đặt vào trong dạ dày lần lượt cách nhau một tháng, bóng được bơm khí qua kênh kết nối với bên ngoài qua đường miệng, rút bóng được thực hiện qua nội soi tại thời điểm sau sáu tháng đặt quả bóng đầu tiên. Cân nặng giảm trung bình (TBWL) tại thời điểm sáu tháng là 6.8%

Bóng Spatz: Bóng có cấu trúc tương tự bóng Orbera, nhưng khác là có thêm kênh điều chỉnh kích cỡ, theo đó trong thời gian lưu bóng bác sỹ có thể bơm thêm hoặc rút bớt thể tích của bóng, thời gian lưu bóng có thể kéo dài đến một năm, do vậy bóng thích hợp với những bệnh nhân muốn có thời gian điều trị lâu hơn. Cân nặng dư thừa giảm trung bình (EWL) tại thời điểm sáu tháng là 45 %.

Bóng Elipse: Là bóng dạng hình cầu làm bằng chất liệu polyurethane, dung tích 550ml, được bơm đầy nước muối qua kênh dẫn, trên bóng có van tự hủy theo thời gian, bóng được lưu trong thời gian khoảng 4 tháng, sau đó van tự hủy sẽ mở làm bóng xẹp lại và được đào thải qua đường tự nhiên, bóng sẽ thích hợp với những bệnh nhân không muốn nội soi can thiệp lấy bóng sau thời gian điều trị. Cân nặng dư thừa giảm trung bình (EWL) tại thời điểm sáu tháng là 37%.

Xem thêm: Giảm cân thu nhỏ dạ dày

4. Những vấn đề gặp phải sau đặt bóng

Các tác dụng phụ thường gặp: Trong thời gian đầu sau khi đặt bóng dạ dày phần lớn bệnh nhân sẽ xuất hiện một số triệu chứng đường tiêu hóa do hiệu ứng choán chỗ của bóng và sự tiếp xúc của bóng với thành dạ dày. Các triệu chứng điển hình bao gồm buồn nôn, nôn, đau bụng, trào ngược axit, ợ hơi, khó tiêu và táo bón. Các triệu chứng này có thể được điều trị bằng thuốc giảm tiết kết hợp với chống nôn và kháng Cholin.

Trong một phân tích hồi cứu của hơn 1000 trường hợp được thực hiện từ năm 2016 đến 2017, có 7,2% bệnh nhân rối loạn nước điện giải cần điều trị, tỉ lệ bệnh nhân cần điều chỉnh bóng là 7,2%, có 1,1% bệnh nhân cần đặt lại bóng. Trong một nghiên cứu khác trên 145.000 bệnh nhân, phương pháp đặt bóng có tỷ lệ biến cố bất lợi cao hơn so với phẫu thuật nội soi giảm béo (OR: 1,97, 95% CI 1,10-3,52) do tỷ lệ tái can thiệp cao hơn đáng kể (4.2% so với 1.0%).

Tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra trong trường hợp bóng để quá thời gian lưu bóng, một số bóng vỡ ra và đi vào trong lòng ruột gây tắc ruột, các biến chứng trầm trọng khác bao gồm nôn mửa dữ dội, đau vùng thượng vị, buồn nôn, loét chảy máu, tắc nghẽn dạ dày và thủng dạ dày.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *