Mối liên quan giữa bệnh Béo phì và Đái Tháo Đường

Định nghĩa: Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai.(1)(2)

Bệnh đái tháo đường có hai thể bệnh chính: Bệnh đái tháo đường typ 1 do tụy tạng không tiết insulin, và đái tháo đường loại 2 do tiết giảm insulin và đề kháng insulin

Đề kháng insulin ở bệnh béo phì chủ yếu liên quan.

  • Sự tích tụ lipid ở gan, các tạng trong ổ bụng, cơ làm hoạt hóa các protein kinase
  • Sự thâm nhập các đại thực bào trong các mô mỡ sản xuất ra các chất gây viêm và bản thân các chất gây viêm này kháng Insulin
  • Tăng khối lượng cơ thể quá mức dẫn đến tế bào beta của tụy không bài tiết đủ Insulin

Có mối liên quan chặt chẽ giữa béo phì và bệnh đái tháo đường không phụ thuộc Insulin ( typ 2). Nguy cơ đái tháo đường không phụ thuộc insulin tăng lên liên tục khi chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng và giảm đi khi cân nặng giảm. Một nghiên cứu cho thấy, nếu một người tăng từ 5-8kg thì nguy cơ đái tháo đường typ 2 tăng gấp 2 lần so với người không tăng cân, khi tăng 20kg thì nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường typ 2 tăng gấp 4 lần. Các nguy cơ đó tiếp tục tăng lên khi béo ở thời kỳ trẻ em và thiếu niên, tăng cân liên tục, hoặc béo bụng. Khi cân nặng giảm, khả năng dung nạp glucose tăng, sự kháng lại Insulin giảm [5]. Béo phì là một trong những yếu tố dự báo mạnh nhất của đái tháo đường typ 2 [6]. Sự phát triển của bệnh đái tháo đường typ 2 phụ thuộc vào những thay đổi ở một hoặc cả hai biến số chính (độ nhạy insulin và bài tiết insulin). Béo phì có thể làm thay đổi một hoặc cả hai biến này .

 

Tỉ lệ mắc đái tháo đường typ 2 ở trẻ em ngày càng gia tăng song song với sự gia tăng tỉ lệ hiện mắc của bệnh béo phì và tỉ lệ hiện mắc chung của đái tháo đường typ 2 ở trẻ em dưới 10 tuổi là 4,6%, tăng 30% kể từ năm 2001 [7]. Theo nghiên cứu của tác giả Đỗ Thị Phương Hà xét nghiệm máu của 46 trẻ từ 8-10 tuổi bị thừa cân béo phì tại Hà Nội thì rối loạn glucose máu chiếm tỉ lệ cao nhất 43,5% . Nghiên cứu của tác giả Hoàng Thị Tín và cộng sự, xét 30 nghiệm máu của 102 trẻ trên 2 tuổi bị thừa cân béo phì đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, tỉ lệ tăng đường máu là 1% [8]. Năm 2013, Khashayar P. và cộng sự nghiên cứu 5.738 trẻ em tại Iran từ 10 đến 18 tuổi trong đó 17,4% có cân nặng dưới bình thường và 17,7% là thừa cân béo phì. Nhóm nghiên cứu ghi nhận glucose máu lúc đói ≥ 100mg % là 12,2% và 18,5% đối với nam và nữ theo thứ tự (nữ cao hơn nam, p<0,01)[9]

Nói tóm lại, lên đến 90% các trường hợp đái tháo đường là có khả năng phòng ngừa được bằng cách làm theo một chế độ ăn uống khỏe mạnh, duy trì chỉ số BMI ≤25 , tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, tránh hút thuốc và uống rượu một cách điều độ.

Tài liệu tham khảo

  1. Phác đồ điều trị đái tháo đường của Bộ Y Tế 2018
  2. Guidelines hướng dẫn điều trị đái tháo đường của hiệp hội đái tháo đường hoa kỳ( ADA 2020
  3. DeFronzo R. A., Ferrannini E., Groop L. et al (2015). Type 2 diabetes mellitus. Nat Rev Dis Primers, 1, 15019.
  4. Đỗ Thị Phương Hà, Lê Bạch Mai và Nguyễn Thị Lâm (2015). Mối liên quan giữa các chỉ tiêu nhân trắc với tình trạng tăng huyết áp và hội chứng chuyển hóa ở trẻ 8-10 tuổi tại Hà Nội. Hội thảo quốc gia về dinh dưỡng lâm sàng, Viện Dinh Dưỡng, 8-16
  5. Ludwig D. S., Peterson K. E., and Gortmaker S. L. (2011). Relation between consumption of sugar-sweetened drinks and childhood obesity: a prospective, observational analysis. The Lancet, 357(9255), 505-508.
  6. Menke A., Rust K. F., Fradkin J. et al (2014). Associations between trends in race/ethnicity, aging, and body mass index with diabetes prevalence in the United States: a series of cross-sectional studies. Ann Intern Med, 161(5), 328-335.
  7. Dabelea D., Mayer-Davis E. J., Saydah S. et al (2014). Prevalence of type 1 and type 2 diabetes among children and adolescents from 2001 to 2009. JAMA: The Journal of the American Medical Association, 311(17), 1778–1786.
  8. Hoàng Thị Tín và Nguyễn Thị Hoa (2008). Đặc điểm của trẻ thừa cân, béo phì siêu âm có gan nhiễm mỡ tại khoa dinh dưỡng bệnh viện Nhi Đồng I năm 2005 – 2006. Tạp chí Dinh dưỡng và Thực phẩm, 4(3,4), 160-170.
  9. Khashayar P., Heshmat R., Qorbani M. et al (2013). Metabolic Syndrome and Cardiovascular Risk Factors in a National Sample of Adolescent Population in the Middle East and North Africa: The CASPIAN III Study. Int J Endocrinol, 2013, 702095

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *