Hẹp môn vị là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu hẹp môn vị

Một biến chứng thường gặp của những bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng chính là hẹp môn vị, gây cản trở đường di chuyển của thức ăn và dịch vị. Và đây cũng chính là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng tới hoạt động tiêu hóa, nguy hiểm hơn có thể gây hoại tử dạ dày dẫn đến phải phẫu thuật cắt bỏ. Cùng Dr.NguyenAnhTuan tìm hiểu hẹp môn vị là gì và những nguyên nhân gây hẹp môn vị thường gặp.

Hẹp môn vị là gì

Hẹp môn vị là gì

Hẹp môn vị là hiện tượng hẹp vùng môn vị, làm hạn chế việc di chuyển thức ăn từ dạ dày xuống tá tràng. Hẹp môn vị hay gặp trong loét dạ dày – tá tràng; ngoài ra có thể gặp trong ung thư dạ dày, đặc biệt là ung thư hang vị; hiếm gặp hơn là u bóng Vater, u tụy… Đối với trẻ em còn gặp bệnh lý Hẹp phì đại môn vị, có đặc điểm lâm sàng và phương pháp điều trị riêng.

Hẹp môn vị đã được biết từ lâu, các tác giả Hildanus (1672), Bleuland (1789), Bouverest, Duplay, Kusmaul, Cruveiler (thế kỷ XIX) đã nghiên cứu và mô tả ngày càng đầy đủ các triệu chứng của bệnh.

Hẹp môn vị gặp nhiều ở nam giới và có thể thấy ở mọi lứa tuổi nhưng thường ở người già.

Nguyên nhân gây hẹp môn vị

Loét dạ dày tá tràng: là nguyên nhân thường gặp nhất. Trong loét dạ dày tá tràng hay gặp hẹp môn vị do loét tá tràng khi ổ loét to, xơ chai gây biến dạng và tạo thành tổn thương chít hẹp.


Loét dạ dày tá tràng là nguyên nhân hay gặp nhất làm hẹp môn vị

Maubrich (1963) thống kê 1.471 trường hợp loét tá tràng, biến chứng hẹp môn vị gặp 7%; nghiên cứu của Fresinos (1983) thấy hẹp môn vị do loét dạ dày tá tràng chiếm 5 – 10%. Tại Việt Nam, theo Vũ Mạnh và Trần Bình Giang (1992), qua 515 trường hợp loét dạ dày tá tràng được mổ cắt đoạn dạ dày tại Bệnh viện Việt Đức, tỷ lệ hẹp môn vị gặp 14,2%.

Hiện nay, nhờ sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán, sự ra đời của nhiều loại thuốc mới, biến chứng hẹp môn vị do loét giảm đáng kể, tỷ lệ hẹp môn vị do loét dạ dày tá tràng chỉ gặp khoảng 2 – 5%.

Ung thư dạ dày: ung thư dạ dày có thể gặp ở mọi nơi của dạ dày, tổn thương gây hẹp môn vị thường nằm ở hang – môn vị. Tỷ lệ ung thư vùng hang môn vị rất hay gặp trong ung thư dạ dày; thống kê của Đỗ Đức Vân (1994) thấy ung thư hang môn vị 62%, bờ cong nhỏ 28%, tâm vị 7,55, bờ cong lớn 0,5%, không xác định 0,2%. Thống kê của Vũ Mạnh và Trần Bình Giang (1992) qua 142 trường hợp mổ ung thư dạ dày, nguyên nhân do hẹp môn vị gặp 19%

Các nguyên nhân khác

  • Phì đại môn vị (Hypertrophy of the pylorus).
  • U lành tính vùng môn vị (Benign tumors of the pylorus).
  • Bệnh Hodgkin, bạch cầu tủy cấp.
  • Tổ chức tụy lạc chỗ vùng môn vị.
  • U tụy xâm lấn tá tràng.
  • Viêm dính quanh tá tràng do viêm túi mật, dính tá tràng vào giường túi mật sau mổ cắt túi mật.Sinh lý bệnh

Sinh lý bệnh

Hẹp môn vị có thể do hẹp cơ năng vì viêm nhiễm, phù nề, co thắt. Khả năng đáp ứng với điều trị nội khoa tốt; ngược lại, trong trường hợp hẹp thực thể có nguyên nhân cơ học như ổ loét tá tràng to, xơ chai hoặc ung thư thường phải điều trị ngoại khoa. Trường hợp điển hình, hẹp môn vị diễn biến theo hai giai đoạn.

  • Giai đoạn tăng trương lực: dạ dày tăng trương lực hay tăng co bóp khi dạ dày bị cản trở lưu thông, để đưa thức ăn xuống tá tràng. Trên lâm sàng bệnh nhân xuất hiện nôn sớm sau khi ăn. Khi bệnh nhân được nhịn ăn, dùng kháng sinh, bù dịch, điện giải…các hiện tượng viêm nhiễm, phù nề giảm dần.
  • Giai đoạn mất trương lực: khi hẹp môn vị không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả dạ dày bị giãn to chứa nhiều dịch và thức ăn đọng, nôn xuất hiện sau khi ăn nhiều giờ, đưa tới tình trạng mất nước, điện giải, rối loạn chuyển hóa kiềm toan; thường thấy tình trạng kiềm chuyển hóa do giảm Clnhiều hơn K+ trong máu bệnh nhân, tăng dự trữ kiềm trong máu và tăng bài tiết K+ trong nước tiểu.

Khi hẹp môn vị, bệnh nhân không ăn uống được kết hợp với nôn nhiều dẫn tới mất nước, làm giảm khối lượng lưu thông tuần hoàn trong máu dẫn tới tình trạng suy thận trước thận, tăng ure máu.

Nôn và không ăn uống được kéo dài dẫn tới thể trạng gầy sút, rối loạn dinh dưỡng, thiếu máu và giảm albumin trong máu.

Dấu hiệu của hẹp môn vị

Hẹp môn vị là một hội chứng lâm sàng trong đó mức độ hẹp khác nhau thì bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng khác nhau tương ứng với mỗi giai đoạn: Giai đoạn đầu, giai đoạn tiến triển, giai đoạn cuối.

Giai đoạn đầu

Lâm sàng

Đau bụng: thường đau sau bữa ăn, tính chất đau không có gì đặc biệt, đau giảm đi sau khi nôn.

Nôn: xuất hiện sớm sau khi ăn, có khi nôn ra thức ăn của bữa ăn trước đó, thậm chí nôn ra thức ăn của ngày hôm trước. Thức ăn chưa được tiêu hóa như rau, cơm… Cùng với thức ăn, là dịch dạ dày màu xanh đen. Nôn là triệu chứng xuất hiện chậm khi đã hẹp môn vị nhiều, lúc đầu nôn không thường xuyên do viêm nhiễm, phù nề, co thắt. Nôn sẽ xảy ra thường xuyên và ngày càng nặng, nếu hẹp môn vị không được điều trị kịp thời.

Bệnh nhân có cảm giác đầy bụng, ậm ạch, khó tiêu.

X-quang

Chụp dạ dày sẽ có các dấu hiện trên những phim toàn thể và hàng loạt như: ứ đọng nhẹ, thuốc vẫn qua môn vị được và cũng có phim thấy môn vị vẫn mở cho thuốc xuống tá tràng bình thường do những co bóp cố gắng của dạ dày. Hình ảnh cơ bản và sớm nhất trong giai đoạn này là tăng sóng nhu động, dạ dày co bóp nhiều hơn, mạnh hơn. Hình ảnh này phải nhìn trên màn hình mới thấy rõ.

Hiện tượng tăng sóng nhu động xuất hiện từng đợt, xen kẽ là hình ảnh dạ dày giãn dần.

Nội soi

Giai đoạn này thường thấy dạ dày ứ đọng nhẹ, môn vị phù nề, lỗ môn vị co thắt, đưa ống soi hơi khó nhưng vẫn qua được. Có thể thấy hình ảnh ổ loét tiến triển với bò gồ cao, đáy loét khoét sâu, các lớp niêm mạc nề đỏ.

Giai đoạn tiến triển

Dấu hiệu cơ năng

Đau: đau xuất hiện muộn, 2-3 giờ sau khi ăn, có khi muộn hơn nữa. Đau từng cơn, đau cuộn bụng, các cơn đau liên tiếp nhau; do đau nhiều, nên có khi bệnh nhân không dám ăn, mặc dù rất đói.

Nôn: càng ngày nôn càng nhiều. Nôn ra dịch ứ đọng trong dạ dày màu xanh đen, có thức ăn của bữa cơm mới lẫn với thức ăn của bữa cơm trước chưa được tiêu hóa. Nôn được thì bệnh nhân hết đau, cho nên có khi vì đau quá bệnh nhân móc họng cho nôn.

Toàn thân

Người gầy, da khô, mất nước, mệt mỏi. Do nôn nhiều, ăn uống ít nên thể trạng bệnh nhân gầy sút nhanh, đái ít và táo bón.

Thực thể

Dấu hiệu lắc óc ách lúc đói: được phát hiện lúc bệnh nhân đói, lắc bụng sẽ nghe được tiếng óc ách do dịch vị tiết ra không qua được môn vị ứ đọng ở dạ dày.

Dấu hiệu Bouverret: trong mỗi cơn đau thấy những sang nhu động xuất hiện ở vùng dạ dày di chuyển từ trái sang phải, nếu đặt tay lên vùng dạ dày có cảm giác căng từng lúc hoặc cuộn dưới tay. Vùng bụng trên rốn thì chướng, ngược lại dưới rốn thì lõm xuống nên nhìn bụng có hình lõm lòng thuyền.

X-quang

Hình ảnh tuyết rơi: cho bệnh nhân uống một ngụm Baryt, theo dõi dưới màn huỳnh quang thấy thuốc rơi từ từ qua lớp dịch ít đọng trong dạ dày giống như tuyết rơi.

Dạ dày giãn: dạ dày giãn to, đáy dạ dày sa thấp.

Hình ảnh ứ đọng: dạ dày xuất hiện 3 mức: dưới là baryt, giữa là nước ứ đọng và trên là hơi dạ dày.

Sóng nhu động: trong giai đoạn tăng trương lực của dạ dày, sang nhu động nhiều và mạnh, chứng tỏ các lớp cơ dạ dày còn tốt. Ngược lại, ở giai đoạn mất trương lực dạ dày co bóp ít hoặc không co bóp.

Ứ đọng ở dạ dày: sau 6-12 giờ, nếu chiếu hoặc chụp lại, sẽ thấy thuốc cản quang nằm đọng lại khá nhiều ở dạ dày, hình dạ dày giãn to, thuốc cản quang không qua môn vị.Hành tá tràng và tá tràng không hiện lên trên các phim hàng loạt.

Nếu ở giai đoạn này không được điều trị, bệnh sẽ diễn biến nhanh chóng hơn và dẫn tới giai đoạn cuối.

Nội soi

Nội soi thực hiện sau khi rửa sạch dạ dày. Trên hình ảnh nội soi thấy: dạ dày ứ đọng, nhiều dịch nâu có cận thức ăn. Dạ dày giãn, vùng hang, môn vị phù nề, lỗ môn vị thắt nhỏ.

Trường hợp hẹp môn vị do loét tá tràng, ống soi khó qua được chỗ hẹp xuống phía dưới. Nếu hẹp nôn vị do ung thư hang vị có thể thấy hình ảnh u sùi, nham nhở, dễ chảy máu…

Giai đoạn cuối

Chẩn đoán hẹp môn vị ở giai đoạn này rất dễ dàng với các triệu chứng điển hình.

Cơ năng

Đầy bụng, chướng bụng, ăn uống ậm ạch khó tiêu.

Đau: đau liên tục nhưng nhẹ hơn giai đoạn trên.

Nôn: ít nôn hơn, nhưng mỗi lần nôn thì ra rất nhiều nước ứ đọng và thức ăn của những bữa ăn trước, có khi 2-3 ngày trước. Chất nôn có mùi thối. Bệnh nhân thường phải móc họng cho nôn.

Toàn thân

Tình trạng toàn thân suy sụp rõ rệt. Bệnh nhân biểu hiện mất nước: thể trạng gầy, mặt hốc hác, mắt lõm sâu, da khô đét nhăn nheo, có khi lơ mơ vì urê huyết cao, có trường hợp co giật vì calci trong máu thấp.

Trong giai đoạn này cần phải xác định sự thiếu hụt của nước và điện giải để hồi phục lại cho thích hợp.

Dấu hiệu thực thể

Dạ dày giãn to, xuống quá mào chậu, có khi chiếm gần hết ổ bụng, bụng chướng không chỉ riêng ở thượng vị mà toàn bụng.

Lắc nghe rõ óc ách lúc đói.

Dạ dày mất hết trương lực, không còn co bóp, mặc dù kích thích cũng không có một dấu hiệu phản ứng nào nữa.

X-quang

Các hình ảnh tuyết rơi, dạ dày hình chậu lại càng rõ rệt. Dạ dày không còn sóng nhu dộng, hay nếu có thì chỉ rất yếu. Sau 12 – 24 giờ hay hơn nữa baryt vẫn còn đọng ở dạ dày khá nhiều, có khi vẫn còn nguyên.

Nội soi

Nội soi dạ dày – tá tràng ở giai đoạn này dễ dàng xác định hẹp môn vị với các dấu hiệu: dạ dày giãn to, ứ đọng nhiều dịch nâu, niêm mạc viêm đỏ ứ đọng, môn vị chít hẹp hoàn toàn, chỉ thấy một lỗ nhỏ, không thể đưa ống soi qua được. Những trường hợp này khi soi rất khó tìm thấy môn vị vì dạ dày giãn, ống soi phải đẩy sâu gần hết và gấp cong đầu ống soi lên trên để vào hang – môn vị nên vị trí lỗ môn vị thay đổi.

Những rối loạn về thể dịch

Những năm gần đây, các nhà lâm sàng quan tâm nhiều tới những rối loạn về thể dịch và coi đây là một vấn đề quan trọng để đánh giá tiên lượng bệnh. Kết quả phẫu thuật xấu hay tốt, một phần lớn là do những rối loạn này nhiều hay ít, nặng hay nhẹ và phương pháp điều trị trước khi mổ có thích hợp và khẩn trương không.

Máu

Bệnh nhân hẹp môn vị ăn uống kém, không hấp thu được nên thường bị thiếu máu nhưng có thể hồng cầu vẫn cao, vì ở đây có hiện tượng máu cô, Hematocrit thường tăng.

Điện giải

Bệnh nhân hẹp môn vị thường nôn nhiều, gây ra những rối loạn điện giải:

Clo hạ nhiều.

Natri hạ nhưng ít hơn.

Kali giảm ít. Kali chính là ở các tế bào, cho nên phản ứng của máu không được chính xác.

Dự trữ kiềm tăng.

Azot trong máu tăng, có khi tăng rất nhiều là do: tỷ lệ clo trong máu hạ thấp; đói; thận bị tổn thương, vì tình trạng kiềm làm giảm chức năng thận.

Nước

Mất nước do nôn, phần lớn được thay thế bằng nước trong khu vực nội tế bào, cho nên khối lượng nước ngoài tế bào hầu như bình thường. Một phần clo và kali cũng từ khu vực nội tế bào chuyển qua. Nếu tế bào mất nước nhiều hơn điện giải dẫn đến tình trạng ưu trương tế bào.

Nước tiểu

Bệnh nhân đái ít hơn, trong nước tiểu tỉ lệ clo, natri hạ thấp.

Hẹp môn vị còn chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây các bệnh như suy tim, hen lao,… gây nguy hiểm đến sức khoẻ tính mạng con người. Trường hợp hẹp môn vị kéo dài có thể gây ra biến chứng nặng khiến các bệnh nguyên nhân như ung thư đầu tụy, ung thư dạ dày, polyp dạ dày,… trở nên nghiêm trọng hơn. Liên hệ ngay đến https://drnguyenanhtuan.com/ để được tư vấn kỹ nhất!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *