Giải đáp 9 câu hỏi được hỏi nhiều nhất về ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là căn bệnh nguy hiểm và khá phổ biến ở Việt Nam do thói quen ăn uống sinh hoạt. Để có thể điều trị hay phòng tái phát căn bệnh này, bạn cần nắm được những thông tin cơ bản về ung thư đại trực tràng. Dưới đây là những chia sẻ thực tế về căn bệnh này qua những câu hỏi cụ thể.

hỏi đáp ung thư đại trực tràng

Hỏi đáp ung thư đại trực tràng

1.Ung thư đại trực tràng là gì?

Ung thư đại trực tràng là ung thư bắt đầu ở đại tràng hoặc trực tràng. Nó còn được gọi là ung thư ruột kết hoặc ung thư trực tràng, tùy thuộc vào nơi tế bào ung thư phát triển.

Ung thư đại trực tràng chủ yếu thuộc loại ung thư biểu mô tuyến, chiếm trên 95%. Các loại ít phổ biến khác bao gồm: u mô đệm đường tiêu hóa, u lympho, sacoma. Hầu hết, ung thư đại tràng hình thành từ u nhỏ, các tế bào lành tính gọi là bướu u tuyến. Qua thời gian một số khối u trở thành ung thư đại tràng.

2. Ung thư đại trực tràng có mấy giai đoạn? Ung thư đại trực tràng giai đoạn I, II, III,IV sống được bao lâu?

Theo hệ thống phân loại TNM, căn cứ vào độ sâu và kích thước của khối u, mức độ xâm lấn, di căn xa và xuất hiện hạch vùng, ung thư đại trực tràng được chia làm 4 giai đoạn.

Dưới đây là các giai đoạn của ung thư đại trực tràng và thời gian sống của bệnh nhân ở mỗi giai đoạn:

  • Giai đoạn I: Tổn thương nông, không xâm lấn vào lớp cơ hoặc hạch vùng, giai đoạn này tiên lượng bệnh rất tốt, tỷ lệ bệnh nhân còn sống sau 5 năm khoảng 90%.
  • Giai đoạn II: Tổn thương có xâm lấn (xâm lấn vào lớp cơ hoặc xuyên qua thanh mạc) nhưng chưa xuất hiện hạch vùng. Giai đoạn này tiên lượng xấu hơn, tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm khoảng 70-85% tùy vào mức độ xâm lấn.
  • Giai đoạn III: Có hạch vùng. Tỉ lệ bệnh nhân còn sống sau 5 năm dao động từ 35-65% tùy thuộc mức độ tổn thương và loại ung thư.
  • Giai đoạn IV: Có di căn. Tỉ lệ bệnh nhân còn sống sau 5 năm khoảng 11-12%. Tiên lượng rất xấu.

3. Ung thư đại trực tràng di căn đi đâu?

Gan là cơ quan đầu tiên mà thông thường ung thư đại trực tràng hay di căn, bởi do các tế bào ung thư đi theo đường tĩnh mạch cửa lên gan. Tiếp theo là các cơ quan như phổi, hạch thượng đòn, não

ung thư đại trực tràng di căn

Ung thư đại trực tràng di căn đến nhiều cơ quan khác

Ung thư đại trực tràng khi di căn thời gian sống phụ thuộc nhiều vào mức độ bệnh và cơ quan mà nó di căn đến. Khoảng 50% bệnh nhân có thể sống đến 6- 9 tháng khi phát hiện có di căn gan khiến gan bị phì đại hoặc bất thường các chức năng của gan.

Ung thư đại trực tràng giai đoạn di căn có tiên lượng rất xấu và điều trị khó khăn. Chỉ có khoảng 11% -12% bệnh nhân còn sống sau 5 năm khi phát hiện bệnh ở giai đoạn này

4. Ung thư trực tràng có nguy hiểm không?

Ung thư đại trực tràng là bệnh nguy hiểm, đặc biệt là trong trường hợp bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi bệnh đã có dấu hiệu di căn thì gây khó khăn cho việc chữa trị, mặc dù căn bệnh này được tiên lượng tốt nếu phát hiện sớm.

Có thể thấy, mức độ nguy hiểm của ung thư đại trực tràng thấp hơn so với các bệnh khác về ung thư. Phát hiện càng muộn tỉ lệ sống thêm càng giảm, ung thư đại trực tràng khi di căn xa thì tỷ lệ sống thêm sau 5 năm là 5%. Thời gian sống của bệnh nhân sẽ ngắn dần khi bệnh đã xâm lấn đến gan và các cơ quan lân cận

ung thư đại trực tràng có nguy hiểm không

Ung thư đại trực tràng có nguy hiểm không

5. Ung thư trực tràng có lây không?

Về bản chất, các bệnh ung thư không lây truyền từ người này sang người khác. Và ung thư đại trực tràng cũng không lây nhiễm khi bạn tiếp xúc với người bệnh.

Ung thư nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng là kết quả của sự tiếp xúc và tương tác lâu dài giữa gen và môi trường. Nguyên nhân chính của căn bệnh này là do sự tương tác giữa gen và các yếu tố gây đột biến khiến các tế bào phát triển mất kiểm soát và tăng sinh bất thường.

6. Ung thư trực tràng có di truyền không?

Ung thư đại trực tràng không di truyền, tuy nhiên thế hệ sau vẫn có thể thừa kế gen đột biến từ cha mẹ hoặc những người thân gần gũi. Nếu gia đình có người tiền sử bị ung thư đại trực tràng thì khả năng bị bệnh cao gấp 8 lần so với những người trong gia đình khỏe mạnh.

Ung thư trực tràng là sự tương tác lâu dài giữa gen và môi trường. Đột biến gen là kết quả của việc tiếp xúc lâu dài của gen bình thường với môi trường có nhiều yếu tố gây đột biến. Khi cha mẹ hoặc người thân bị ung thư đại trực tràng thì con sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn do thừa hưởng gen đột biến.

ung thư đại trực tràng có di truyền không

Ung thư đại trực tràng không di truyền nhưng thế hệ sau vẫn có thể thừa kế đột biến gen từ cha mẹ

7. Ung thư đại trực tràng có đau không?

Ung thư đại trực tràng là bệnh phát triển âm thầm và thường ít có dấu hiêu. Tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn mà người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau. Giai đoạn sớm ít bệnh nhân cảm thấy đau, tuy nhiên trong giai đoạn di căn thì bệnh gây nên nhiều đau đớn

  • Giai đoạn I và II: Đây là các giai đoạn sớm, khi bệnh chưa di căn hoặc là mới xâm lấn nông, người bệnh ít thấy các dấu hiệu bất thường, vì vậy cũng ít đau ngoài biểu hiện thi thoảng đau bụng.
  • Giai đoạn III và IV: Giai đoạn này bệnh đã di căn đến hạch vùng và xâm lấn sâu, do đó bệnh nhân cảm thấy đau nhiều bộ phận, mệt mỏi thường xuyên, sút cân, hay bị đau bụng quặn cơn…

8. Tầm soát ung thư đại trực tràng ở đâu?

Ung thư đại trực tràng là căn bệnh nguy hiểm, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm thì có khả năng chữa khỏi hay kéo dài thời gian sống của bệnh nhân. Chính vì thế, việc tầm soát vô cùng quan trọng. Hiện nay có nhiều cơ sở y tế chuyên khoa cung cấp dịch vụ tầm soát căn bệnh này.

9. Cần làm gì để giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng có liên quan mật thiết với lối sống, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hằng ngày. Do đó, việc cải thiện lối sống, thay đổi chế độ ăn có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Dưới đây là một số biện pháp để phòng ngừa và làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng:

  • Thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học: Tăng cường ăn nhiều hoa quả rau xanh, các loại thực phẩm giàu vitamin và chất xơ. Hạn chế sử dụng bia rượu, thuốc lá, các chất kích thích, các món ăn nhiều chất béo, đồ chiên rán…
  • Xây dựng lối sống sinh hoạt lành mạnh: Ngủ nghỉ điều độ và đúng giờ, tránh thức khuya ngủ muộn
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao: Để khí huyết được lưu thông tốt giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng sức đề kháng chống chọi với bệnh tật, mỗi người nên có chế độ luyện tập mỗi ngày.
  • Khám và tầm soát định kỳ: Thường từ 3-6 tháng mỗi người nên tầm soát để nắm được tình hình sức khỏe cũng như phát hiện kịp thời những nguy cơ mắc bệnh.
  • Chữa dứt điểm viêm đại tràng,trực tràng: Theo nhiều nghiên cứu, những ai đã từng bị viêm đại tràng hoặc viêm trực tràng sẽ có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng cao hơn. Vì thế nên chữa triệt để căn bệnh này trước khi biến chứng thành ung thư đại trực tràng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *