Điều trị hẹp môn vị như thế nào?

Hẹp môn vị là hội chứng với biểu hiện chung là tình trạng lưu thông thức ăn, dịch dạ dày xuống tá tràng bị cản trở hoặc đình trệ hoàn toàn. Cụ thể, hiện tượng thức ăn bị ứ đọng lại trong dạ dày không xuống ruột được hoặc xuống rất hạn chế.

Chẩn đoán xác định hẹp môn vị cần dựa vào:

  • Triệu chứng cơ năng: đau, nôn, ăn uống ậm ạch, khó tiêu.
  • Triệu chứng thực thể: lắc óc ách khi đói; dấu hiệu Bouveret.
  • Triệu chứng X-quang: hình ảnh tuyết rơi, dạ dày hình chậu, sau 6 giờ dạ dày vẫn còn baryt.

Trước hết phải phân biệt đó là hẹp cơ năng hay thực thể. Hẹp môn vị cơ năng chỉ cần điều trị nội khoa bằng kháng sinh, truyền dịch, các thuốc chống co thắt… Ngược lại, khi hẹp môn vị thực thể cần phải điều trị ngoại khoa.

Nên nhớ rằng một hẹp môn vị thực thể dù ở mức độ nặng cũng không cần phẫu thuật ngay mà nên bồi phụ lại sự thiếu hụt của nước, điện giải và năng lượng cho bệnh nhân.

Vậy điều trị hẹp môn vị như thế nào?

  1. Hồi sức

Bồi phụ nước, điện giải, năng lượng, protid bằng truyền tĩnh mạch. Cần phải căn cứ vào lâm sàng và các xét nghiệm sinh hoá mà bồi phụ. Tính chính xác tỉ lệ clo, natri, kali trong máu.

Các dung dịch thường dùng: các loại dung dịch mặn đẳng trương như Ringer lactat, dung dịch ngọt để cung cấp thêm nước và điện giải, năng lượng. Ngoài ra bổ sung thêm đạm, điện giải, protid, các loại vitamin….

Công việc bồi phụ nước và điện giải tiến hành trước và cả sau mổ.

  1. Chuẩn bị bệnh nhân

Hàng ngày rửa dạ dày thật sạch bằng nước ấm. Phải dùng ống cao su to (Faucher). Có thể sau vài lần rửa, bệnh nhân đỡ nôn, ăn uống được, toàn thân tốt hơn.

Nếu bệnh nhân còn ăn được, cho ăn các chất dễ tiêu.

Có thể phối hợp thêm với các thuốc kháng sinh; các chất chống co thắt như Buscopan…

  1. Phẫu thuật

Tốt nhất là phẫu thuật cắt đoạn dạ dày, vừa giải quyết được biến chứng hẹp môn vị, vừa giải quyết nguyên nhân bệnh loét. Vì vậy, nếu bệnh nhân đến bệnh viện sớm, thể trạng còn tốt, có khả năng phẫu thuật thì nên cắt đoạn dạ dày. Trường hợp bệnh nhân yếu, tình trạng chung không cho phép, nên nối vị tràng.

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn cùng kíp phẫu thuật

Các phương pháp phẫu thuật

  • Cắt đoạn dạ dày

Là phẫu thuật thường tiến hành nhất, phẫu thuật bao gồm cắt hang vị, môn vị cùng với một phần thân vị nhằm lấy bỏ ổ loét đồng thời giảm bớt tuyến tiết dịch vị, loại trừ vùng hang vị bài tiết ra gastrin, kích thích bài tiết dịch vị. Sau đó, lập lại sự lưu thông tiêu hóa theo:

Kiểu Billroth I: nối phần dạ dày còn lại với tá tràng theo:

PEAN: đóng mỏm dạ dày còn lại hẹp bớt trước khi nối với mỏm tá tràng.

VON HABERER: để nguyên mỏm dạ dày còn lại và nối với mỏm tá tràng.

Kiểu Billroth II: đóng kín mỏm tá tràng và sau đó nối phần dạ dày còn lại với quai hỗng tràng đầu tiên. Có thể nối qua mạc treo đại tràng ngang hoặc trước đại tràng ngang. Có hai cách khâu nối sau:

POPLYA: để nguyên mỏm dạ dày rồi nối với quai hỗng tràng đầu tiên.

FINSTERER: khâu bớt mỏm dạ dày rồi nối với quai hỗng tràng đầu tiên.

  • Nối vị tràng

Chỉ định cho những trường hợp:

Hẹp môn vị giai đoạn muộn, bệnh nhân thể trạng yếu.

Loét tá tràng ở sâu, không có khả năng cắt dạ dày được.

Phẫu thuật giải quyết được hẹp, tuy nhiên ổ loét và dạ dày vẫn còn, tỷ lệ loét tái phát sau mổ cao.

  • Cắt dây thần kinh X

Trong trường hợp hẹp do loét tá tràng nằm ở sâu, không thể cắt dạ dày và lấy bỏ ổ loét.

Phối hợp với tạo hình môn vị và nối vị tràng.

Mục đích: Loại trừ cơ chế tiết dịch do thần kinh.

Ưu điểm: Tỷ lệ tử vong và biến chứng íthấp hơn so với cắt dạ dày.

Các kiểu kỹ thuật:

  • Cắt dây thần kinh X toàn bộ
  • Cắt dây X chọn lọc: chỉ cắt các nhánh thần kinh chi phối dạ dày.
  • Cắt dây X siêu chọn lọc: cắt các nhánh thần kinh chi phối dạ dày, để lại nhánh chi phối môn vị.
  • Cắt dây X toàn bộ, phối hợp nối vị tràng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *