Thoát vị bẹn có những dấu hiệu gì?

Tùy theo kích thước của khối thoát vị, tạng thoát vị mà mỗi loại thoát vị bẹn lại có đặc điểm lâm sàng riêng có thể biểu hiện một cách rầm rộ trong bệnh cảnh thoát vị bẹn nghẹt hoặc diễn biến âm thầm qua năm tháng nhưng nhìn chung thoát vị bẹn đều có một số triệu chứng chính như sau:

1. Dấu hiệu người bệnh có thể phát hiện thấy?

  • Người bệnh thường đến khám vì có khối phồng vùng bẹn, cảm giác tức nặng, khối phồng này kích thước thay đổi. Kích thước to ra khi lao động gắng sức hoặc đứng nhưng tự mất đi khi nằm nghỉ hoặc tự tay đẩy lên được, hoàn toàn không ảnh hưởng đến tình trạng toàn thân.
  • Một số trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu đau dữ dội vùng bẹn, khối phồng căng to và không đẩy lên được, thậm chí có tình trạng rối loạn huyết động mạch nhanh huyết áp tụt do tạng thoát vị bị nghẹt, không đẩy lên được dẫn đến hoại tử. Nếu người bệnh có dấu hiệu này cần phải đến cơ sở y tế khám và điều trị ngay lập tức tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

2. Dấu hiệu thoát vị bẹn phát hiện khi khám?

 

Dấu hiệu thoát vị bẹn khi khám

  • Khối phồng nằm trên nếp lằn bẹn, xuất hiện dọc theo hướng ống bẹn với thoát vị bẹn gián tiếp và theo hướng vuông góc thành bụng với thoát vị bẹn trực tiếp. Khối phồng mềm, không đau, căng to hơn khi bệnh nhân rặn. Nếu tạng thoát vị là ruột thì gõ vang, có lúc nắn nghe thấy tiếng óc ách của nước và hơi, nếu là mạc nối thì gõ đục. Dùng tay nắn đẩy thì khối phồng mất đi nhưng bảo bệnh nhân rặn, ho, khối phồng lại xuất hiện. Nếu có sự viêm dính trong túi thoát vị thì có thể không đẩy được tạng thoát vị vào trong ổ bụng.
  • Lỗ bẹn ngoài rộng, có cảm giác tạng thoát vị chạm vào đầu ngón tay khi luồn ngón tay vào lỗ bẹn ngoài và bảo bệnh nhân ho.
  • Nếu khối phồng căng, nóng đỏ, sờ vào bệnh nhân đau dữ dội và không đẩy lên được. Đây là dấu hiệu cảnh báo biến chứng thoát vị bẹn nghẹt

3. Chẩn đoán xác định thoát vị bẹn

Thông thường chẩn đoán xác định thoát vị bẹn không khó khăn. Khi tạng thoát vị lên xuống dễ dàng thì các triệu chứng kể trên đều rõ, dễ chẩn đoán. Tuy nhiên cũng có trường hợp chẩn đoán khó khăn có thể nhầm với một số bệnh lý khác.

  • Tràn dịch màng tinh hoàn: da bìu căng, có dấu hiệu 3 động, không sờ được mào tinh hoàn, không bấu được màng tinh hoàn, lỗ bẹn không rộng. Soi đèn pin thấy ánh sáng xuyên qua khối dịch màu hồng nhạt. Siêu âm không thấy tạng thoát vị.
  • Nang nước thừng tinh: khi nang nước thông với ổ bụng dễ chẩn đoán nhầm. Vì khối phồng cũng nhỏ đi hoặc mất đi khi ta sờ nắn. Tuy nhiên khối phồng thường nhỏ lại một cách khó khăn, phải nắn lâu vì đường thông vào ổ bụng cũng nhỏ. Khối phồng có tính chất của một khối dịch, không tăng kích thước khi bệnh nhân ho, rặn (trường hợp nang không thông vào ổ bụng). Siêu âm thấy rõ hình ảnh của nang.
  • Giãn tĩnh mạch từng tinh. Sờ bìu có cảm giác như sờ búi giun dưới tay, dấu hiệu Curling dương tính. Khối phồng không tăng kích thước khi bệnh nhân ho rặn. Siêu âm thấy hình ảnh của đám tĩnh mạch bị giãn.
  • Tinh hoàn lạc chỗ. Tinh hoàn nằm ở ống bẹn, có ranh giới rõ. Mật độ chắc và ấn đau, không sờ thấy tinh hoàn cùng bên. Khối phồng không mất đi hoặc bé lại khi nắn bóp.

4. Biến chứng thoát vị bẹn?

Hình ảnh quai ruột bị kẹt không tự đẩy lên được

Thoát vị bẹn nêu không điều trị thì ngày càng to ra. Ảnh hưởng tới lao động, sinh hoạt của bệnh nhân và có thể gặp những biến chứng nguy hiểm là:

  • Thoát vị bẹn nghẹt: Khối phồng bị kẹt không đẩy lên được. Không được giải phóng tạng sẽ bị hoại tử.
  • Viêm dính tạng thoát vị với bao thoát vị. Nên các tạng thoát vị khó đầy lên và dễ nhầm trong chẩn đoán, đặc biệt đối với nam giới thoát bị lâu ngày sẽ dẫn tới viêm dính thừng tinh đặc biệt là ống dẫn tinh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *