Các phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày

Phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày là phương pháp hiệu quả để chấm dứt hoặc làm chậm tiến triển, cải thiện chất lượng sống. Bởi vì ung thư dạ dày là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm. Vì nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong rất cao.

1. Phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày triệt căn

Năm 1984, hội nghị quốc tế về ung thư dạ dày được tổ chức tại Hawaii với 3 tổ chức UICC, AJCC và JGCA đã đưa ra quy ước về cắt dạ dày triệt để dựa trên kết quả mô bệnh học về mép cắt dạ dày, các hạch lympho và các cơ quan bị xâm lấn và di căn. Một phẫu thuật triệt để phải có đủ 3 tiêu chuẩn sau:

– Cắt bỏ được một phần hay toàn bộ dạ dày có khối u mà diện cắt trên và dưới không còn tế bào ung thư.

– Lấy bỏ toàn bộ hệ thống bạch huyết di căn.

– Lấy bỏ hết tổ chức bị xâm lấn và di căn.

Các phương pháp phẫu thuật dạ dày triệt căn điều trị ung thư dạ dày bao gồm: Cắt toàn bộ dạ dày; Cắt bán phần dưới dạ dày; Cắt dạ dày bảo tồn môn vị, Cắt bán phần trên dạ dày; Cắt 1 phần dạ dày; Cắt tại chỗ; Cắt dạ dày mở rộng.

Cắt bán phần dưới dạ dày: Cắt bỏ phần lớn đoạn dưới dạ dày cùng với thương tổn, môn vị và mạc nối lớn. Phẫu thuật này áp dụng cho những trường hợp thương tổn ở 1/3 dưới dạ dày hoặc 1/3 giữa dạ dày mà khoảng cách từ bờ trên thương tổn đến tâm vị trên 5 cm. Mặt cắt tá tràng được đóng lại bằng khâu tay hoặc dùng máy cắt nối. Phục hồi lưu thông tiêu hóa bằng cách nối mỏm cắt dạ dày với tá tràng. Hoặc hỗng tràng theo phương pháp Billroth I hoặc Billroth II hay Roux en Y.

Kỹ thuật cắt 2/3 dạ dày phục hồi lưu thông bằng phương pháp Billroth II.

Cắt bán phần trên dạ dày: Cắt bỏ phần trên dạ dày chứa thương tổn cùng với tâm vị và mạc nối lớn. Phẫu thuật này áp dụng cho những trường hợp thương tổn ở 1/3 trên dạ dày và phần còn lại phải ít nhất là 1/2 dạ dày. Phục hồi lưu thông tiêu hóa bằng cách nối thực quản bụng với phần dạ dày còn lại.

Cắt toàn bộ dạ dày: Cắt bỏ toàn bộ dạ dày bao gồm cả tâm vị và môn vị cùng với mạc nối lớn. Phẫu thuật này áp dụng cho những trường hợp thương tổn ở 1/3 giữa dạ dày. Mà khoảng cách từ bờ trên thương tổn đến tâm vị dưới 5 cm. Hoặc thương tổn ở 1/3 trên dạ dày mà không cắt bán phần trên dạ dày được. Phục hồi lưu thông tiêu hóa bằng cách nối thực quản bụng với hỗng tràng theo phương pháp Roux en Y hoặc kiểu Omega.

Cắt toàn bộ dạ dày phục hồi lưu thông bằng phương pháp Rouen – Y.

Cắt dạ dày mở rộng kèm theo cơ quan khác khi bị xâm lấn và di căn. Cơ quan thường bị xâm lấn là tụy, lách, mạc nối, gan, đại tràng ngang…

Các phương pháp này được chỉ định phụ thuộc vào vị trí khối u, mức độ xâm lấn, di căn.

2. Phẫu thuật điều trị không triệt căn

Là phẫu thuật khi cuộc mổ không thể giải quyết được triệt để các tổn thương ung thư, đã xâm lấn đến nhiều tạng, di căn phúc mạc. Phẫu thuật tạm thời nhằm thiết lập lại lưu thông đường tiêu hóa. Để nuôi dưỡng bệnh nhân hoặc cắt giảm nhẹ khối u, dự phòng biến chứng.

a) Nối vị tràng

– Khối u vùng hang môn vị gây hẹp môn vị. Nhưng không thể cắt dạ dày thì đưa quai hỗng tràng lên nối với dạ dày, để bệnh nhân có thể ăn được.

b) Mở thông nuôi dưỡng

– Mở thông dạ dày nuôi dưỡng ở những trường hợp khối u tâm vị xâm lấn và di căn không thể cắt toàn bộ hoặc cực trên dạ dày được thì mở thông dạ dày để đưa thức ăn vào nuôi dưỡng cho bệnh nhân.

Phương pháp mở thông dạ dày hoặc mở thông ruột non nuôi dưỡng.

– Mở thông hỗng tràng nuôi dưỡng ở những trường hợp khối u hang vị xâm lấn di căn rộng không thể cắt và nối vị tràng được, thì mở thông hỗng tràng để đưa thức ăn vào nuôi dưỡng cho bệnh nhân.

c) Cắt dạ dày giảm nhẹ

– Khối u ở dạ dày đã xâm lấn vào các tạng và di căn. Không còn khả năng phẫu thuật triệt để nhưng vẫn còn có thể cắt được. Thì vẫn nên cắt dạ dày và thiết lập lưu thông đường tiêu hóa cho bệnh nhân ăn. Đây là phẫu thuật giảm nhẹ nhằm cải thiện cuộc sống và dự phòng các biến chứng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *