Bệnh sỏi thận và yếu tố liên quan nghề nghiệp

Bệnh sỏi thận là gì?

Sỏi thận là gì? Sỏi thận (sỏi tiết niệu) sinh ra do sự kết dính của các muối và khoáng chất trong nước tiểu tạo thành. Sỏi có kích thước hình dáng khác nhau và thường là nguyên nhân gây ra những cơn đau vùng thắt lưng và đái máu. Theo thống kê, cứ khoảng 20 người thì có một người bị sỏi tạo thành trong hệ tiết niệu.

Những người có nguy cơ mắc bệnh

– Người có thói quen nhịn tiểu (ít đi tiểu), uống ít nước hoặc bị mất nước nhiều qua đường mồ hôi. Bình thường lượng nước tiểu 24 giờ ở người lớn khoảng trên 1,5 lít. Khi khối lượng 24 giờ giảm một nửa thì nguy cơ bị sỏi thận sẽ tăng lên gấp đôi.

– Người có chế độ ăn nhiều thịt, nhiều muối, uống nhiều sữa, sử dụng nhiều vitamin C, D, phơi năng nhiều, người thừa cân béo phì, nghiện rượu… sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao.

– Những bệnh nhân phải bất động lâu ngày như chấn thương cột sống, gãy xương, bại liệt, đa thương, người có bệnh cường tuyến phó giáp, các bệnh khác gây bế tắc đường tiểu như u tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo do chấn thương hay bẩm sinh; Người có tiền sử gia đình có người bị sỏi thận, sỏi tiết niệu (bệnh có yếu tố di truyền) sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

– Nguy cơ mắc bệnh liên quan đến yếu tố nghề nghiệp:

+ Người lao động làm việc trong môi trường lao động nóng có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi thận. Nguyên nhân do ra nhiều mồ hôi làm giảm lượng nước tiểu bài tiết qua thận.

+ Người lao động làm việc tiếp xúc với cadmium (công nhân chế biến kim loại, sản xuất sơn, pin ắc qui…) và một số chất độc hại khác cũng có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi thận.

Xem thêm: Những lưu ý cho người mắc sỏi tiết niệu

Biểu hiện bệnh sỏi thận

– Đau vùng thắt lưng: Có thể đau âm ỉ hoặc đau đột ngột dữ dội, đau lan sau lưng và lan xuống bụng dưới.

– Đi tiểu buốt, dắt, tiểu ra máu…

– Trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng tiết niệu: Sốt cao rét run, nước tiểu có màu bất thường.

Phát hiện bệnh

– Xét nghiệm có máu trong nước tiểu

– Siêu âm thấy hình ảnh sỏi trong đường tiết niệu

– Chụp X quang, chụp UIV hệ tiết niệu, chụp CT, nội soi… thấy hình ảnh sỏi…

Các phương pháp điều trị

Tùy theo vị trí, kích thước và tính chất của sỏi mà lựa chọn các biện pháp điều trị khác nhau:

– Điều trị nội khoa: Thường áp dụng điều trị cơn đau do sỏi, các trường hợp sỏi nhỏ (sử dụng thuốc làm tan sỏi hay tống sỏi ra ngoài…).

Tán sỏi ngoài cơ thể sử dụng sóng siêu âm, sóng sốc thủy điện hoặc tia LASER y học…

– Phẫu thuật nội soi, phẫu thuật mổ mở lấy sỏi ra khỏi cơ thể.

Xem thêm: Giảm cân bằng phẫu thuật nội soi

Cách dự phòng bệnh sỏi thận

– Uống đủ nước để tiểu nhiều ( từ 1,5 đến 2 lít nước ), như vậy sỏi sẽ ít có nguy cơ tái phát.

– Điều trị các bệnh tiết niệu như nhiễm trùng, dị dạng đường tiết niệu.

– Không sử dụng quá nhiều các loại vitamin C, D. Chế độ ăn vừa phải chất canxi, giảm ăn muối, chất đạm và các thực phẩm chứa nhiều oxalate; tăng cường vận động, giảm cân sẽ làm giảm nguy cơ mắc sỏi thận.

– Người lao động trong điều kiện nóng phải bù đủ lượng nước đã mất qua mồ hôi. Tùy từng trường hợp cụ thể mà lượng nước bù khác nhau, trung bình nên 20 phút làm việc nên nghỉ uống nước một lần (kể cả khi không cảm thấy khát) với tổng số khoảng 1 lít nước trong một giờ lao động. Nước uống nên để mát khoảng 10-15°C. Ngoài ra cần có thời gian làm việc nghỉ ngơi hợp lý, tránh nhịn tiểu quá lâu trong thời gian làm việc.

– Người làm việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại, ngoài các biện pháp để giảm tối đa mức độ tiếp xúc, nên thường xuyên khám sức khỏe để kiểm tra phát hiện sớm bệnh sỏi thận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *