Biến chứng của người béo phì khi mang thai và sinh con

Nhiều người luôn quan niệm, khi mang bầu phải ăn càng nhiều càng tốt để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và đảm bảo sự phát triển cho thai nhi. Liệu quan điểm này có thực sự đúng?  

1.Câu chuyện bệnh nhân thực tế

  • Nguyễn Hoài Thu (26 tuổi – Hà Nội) nhập viện trong tuần thứ 34 của thai kỳ, với tình trạng chảy máu âm đạo, ăn vào nôn ra, không thể đi tiểu tiện, phù toàn thân.
  • Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán chị chuyển dạ sinh lần đầu, rau tiền đạo chảy máu, mắc tiểu đường thai kì ( đường máu cao 13mmol/l), chỉ số béo phì BMI= 39, tiền sản giật nặng.
  • Bệnh nhân được chỉ định mổ lấy thai, kết hợp điều trị nội tiết và tiêu hóa. Sau đó, bé gái nặng 2,4kg chào đời, sinh hiệu tốt, kiểm tra bước đầu không có điều gì bất thường. Sau phẫu thuật 3 ngày , sức khỏe mẹ và bé bắt đầu ổn định.
  • Chị Thu kể từ bé đến lớn chị là một người có cơ địa khó tăng cân, ăn thoải mái mà cân nặng không hề xi nhê gì. Từ khi bắt đầu lập gia đình, chị chuyển từ trong Nam ra ngoài Bắc sinh sống, lối sống của vợ chồng trẻ và môi trường thay đổi nên vợ chồng chị thường xuyên dùng các đồ ăn nhanh nên cân nặng bắt đầu có dấu hiệu thay đổi. Nhưng cũng chưa bao giờ vượt ngưỡng 52kg.
  • Thời kỳ đầu mang thai, sau những lần siêu âm đầu tiên chị được bác sỹ tư vấn do túi thai của chị nằm ở mép dưới tử cung nên có thể sẽ hấp thụ hơi kém. Gia đình chồng sốt sắng thấy vậy, thúc giục chị thường xuyên bồi bổ để thai nhi phát triển. Không ngờ sau 7 tháng cân nặng lại tăng không kiểm soát như vậy. Những tháng cuối thai kỳ, chị có biểu hiện đau nhức đầy, tay chân sưng phù, ăn uống khó tiêu hóa nhưng vẫn chủ quan không nghĩ là dấu hiệu của bệnh. Thời điểm chị nhập viện cân nặng của chị là 89,5kg.

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn  cho biết: nhiều người quan niệm rằng khi mang thai cần ăn càng nhiều càng tốt để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển cho thai nhi. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, mẹ bầu tăng cân quá nhiều sẽ mang lại những hậu quả khôn lường, lợi bất cập hại.

2. Một số biến chứng có thể gặp phải gồm

Biến chứng khi mang thai:

  • Tiểu đường thai kỳ: Người béo phì có nguy cơ có nguy cơ cao hơn bị tiểu đường khi mang thai, đặc biệt là những người có cân nặng cao hơn 100kg
  • Tăng huyết áp thai kỳ: Người béo phì cũng có nguy cơ cao hơn bị tăng huyết áp trong thai kỳ, đây là tình trạng nguy hiểm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
  • Các vấn đề về hô hấp: Béo phì khi mang thai có nguy cơ cao hơn bị các vấn đề về hô hấp như ngừng thở khi ngủ.
  • Bệnh về tim mạch: Người béo phì khi mang thai cũng có nguy cơ bị các vấn đề tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
  • Tiền sản giật: Khi mang thai, nội tiết tố của phụ nữ thay đổi, nồng độ insulin, androgen và leptin cùng tăng. Ở phụ nữ thừa cân béo phì các mô mỡ chưa các yếu tố tiền viêm có thể làm rối loạn chức năng của hệ thống biểu mô mạch máu ở người mẹ và nhau thai  khiến mẹ có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như tiền sản giật, sinh non, dị tật bẩm sinh …

Biến chứng khi sinh con:

  • Rối loạn chuyển hóa đường: người béo phì khi sinh con có nguy cơ cao hơn bị rối loạn chuyện hóa đường sau khi sinh.
  • Phẫu thuật mổ: người béo phì cũng có nguy cơ cao hơn bị các vấn đề về phẫu thuật mổ, bao gồm nhiễm trùng, chảy máu hoặc đau sau phẫu thuật.
  • Nguy cơ con bị chết khi sinh: Người béo phì cũng có nguy cơ cao hơn con bị chết sau sinh, đặc biệt là trong trường hợp có các bệnh liên quan đến béo phì như tiểu đường hay tăng huyết áp.

Do đó, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo, người béo phì khi mang thai và sinh con cần được kiểm tra và theo dõi sát sao bởi bác sĩ để giảm thiểu các nguy cơ biến chứng sức khỏe, nên tham gia các khóa học tiền sản để trang bị những kiến thức cho bản thân. Ngoài ra, việc giảm cân và tập luyện thể thao cũng có thể làm giảm nguy cơ các biến chứng khi mang thai và sinh con.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *