[benhvien108.vn] Tiến bộ trong điều trị ngoại khoa ung thư dạ dày: Phẫu thuật nội soi hoàn toàn trong cơ thể và vét hạch lympho dưới hướng dẫn của chất phát quang

Ung thư dạ dày (UTDD) là bệnh lý đã được biết đến từ lâu và có tỉ lệ mắc ngày càng gia tăng. Phẫu thuật nội soi điều trị ung thư dạ dày được thực hiện lần đầu tại Nhật Bản bởi Kitano năm 1994. Từ đó đến nay liên tục có những cải tiến về cách thức và phương pháp điều trị ung thư dạ dày. Ngày 16/6/2018 lần đầu tiên tại Bệnh viện TƯQĐ 108, GS Takahiro Kinoshita, chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật ung thư dạ dày Nhật Bản đến chuyển giao phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ dạ dày hoàn toàn trong cơ thể với ứng dụng công nghệ mới nhất, sử dụng chất phát huỳnh quang Indocyanine green (ICG) xây dựng bản đồ hạch lympho, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nạo bỏ hạch triệt để, góp phần kéo dài thời gian sống của bệnh nhân sau mổ. Đây là kỹ thuật mới, đang bắt đầu được áp dụng trên thế giới và một số trung tâm lớn tại Việt Nam.

Từ trái sang: GS Kinoshita (đứng giữa), PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn – Chủ nhiệm Khoa PT ống tiêu hóa Bệnh viện TWQĐ 108

Xây dựng bản đồ hạch lympho trong phẫu thuật ung thư dạ dày

Trước màn hình theo dõi truyền ra hội trường với sự chứng kiến của hàng trăm bác sĩ tiêu hóa trên toàn quốc, lần đầu tiên hình ảnh khối ung thư dạ dày cùng hệ thống bản đồ hạch lympho ngấm ICG đã được hiện rõ nét trên màn huỳnh quang tích hợp trong hệ thống nội soi. Từng vị trí hạch và mạch bạch huyết được hiện rõ ràng trong ổ bụng của BN Nguyễn Văn S. (Hà Nội) trong sự ngạc nhiên của mọi người. PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, bệnh nhân được tiêm ICG lúc 9 giờ tối qua (ngày 15/6) vào lớp niêm mạc và dưới niêm mạc xung quanh khối u qua nội soi dạ dày. Chất ICG sẽ ngấm vào hệ thống mạch bạch huyết, đi tới các hạch Lympho và tích tụ lại đó. Chất ICG có tính chất phát ra sóng có bước sóng ngắn hơn bước sóng của tia hồng ngoài và có khả năng phát sáng trên màn huynh quang. Trong khi mổ, với hệ thống máy nội soi có tích hợp công nghệ ICG, toàn bộ khối u, hạch và mạch bạch huyết sẽ được phát sáng, giúp vẽ nên một bản đồ hạch, điều đó rất có ý nghĩa cho việc nạo vét triệt để hệ thống hạch, một tiêu chuẩn không thể thiếu được trong phẫu thuật triệt căn điều trị ung thư dạ dày, có tính chất quyết định tới thời gian sống của bệnh nhân.
Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, chất Indocyanine Green (ICG) đã được sử dụng từ lâu trong y học với các mục đích khác nhau, nhưng gần đây nhờ phát hiện ra khả năng phát sáng trên màn huỳnh quang, chất ICG mới được áp dụng trong phẫu thuật với 2 mục đính chính là đánh giá tưới máu của mỏm cắt và vẽ bản đồ hạch, góp phần thực hiện các miệng nối an toàn và vét hạch triệt căn.
Hiện nay, 2 tiêu chuẩn bắt buộc của phẫu thuật UTDD là cắt rộng rãi phần dạ dày có khối u để đảm bảo hai bờ cắt sạch không còn tế bào ung thư (cắt gần toàn bộ hoặc toàn bộ dạ dày) và phải vét được rộng rãi hạch lympho. Bình thường vét hạch lympho trong mổ khi không áp dụng công nghệ phát quang ICG là vét theo vùng và do sự nhận định trực tiếp của phẫu thuật viên, rất khó có khả năng đánh giá vét tới khi nào là hết hạch, là triệt căn. Với sự trợ giúp của công nghệ ICG, phẫu thuật viên sẽ có định hướng rõ ràng trong khi vét và kiểm tra lại sau khi vét hạch, góp phần vét hệ thống hạch lympho một cách triệt để. Phẫu thuật tiêu chuẩn điều trị ung thư dạ dày hiện nay là vét hạch mức D2 theo tiêu chuẩn của Nhật Bản hoặc vét tối thiểu được 15 hạch theo tiêu chuẩn của Mỹ và các nước Phương tây, có vậy mới xác định được đúng giai đoạn bệnh và đảm bảo tính triệt căn.

Phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ dạ dày hoàn toàn trong cơ thể

Sau hơn 4 tiếng cắt toàn bộ dạ dày và vét hạch mức D2, bệnh nhân Nguyễn Văn S. cũng đã được các chuyên gia Nhật Bản và các phẫu thuật viên Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện TƯQĐ 108 thực hiện miếng nối hoàn toàn bên trong cơ thể.

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn phân tích, bệnh nhân S. đến viện trong giai đoạn khối u được đánh giá ở mức T2, tại vị trí góc bờ cong nhỏ. Tuy nhiên, do kết quả giải phẫu bệnh qua nội soi trước mổ xác định là týp lan tỏa nên được thực hiện phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày nội soi làm miệng nối hoàn toàn bên trong cơ thể. Đây là một kỹ thuật khó. Bởi miệng nối ruột với thực quản ở trên cao đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kỹ thuật tốt được huấn luyện bài bản mới thực hiện được. Đa số các phẫu thuật viên ở Việt Nam hiện nay vẫn chỉ thực hiện phẫu thuật nội soi hỗ trợ trong cắt dạ dày với miệng nối được thực hiện bằng tay ngoài cơ thể qua một đường mở bụng nhỏ.

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn cảnh báo, UTDD vốn được là loại u ác tính, đứng thứ 4 về tỷ lệ mắc bệnh và hàng thứ 2 tỷ lệ tử vong, bệnh đang có xu hướng tăng lên ở Việt Nam. Việc chẩn đoán và điều trị sớm là quyết định quan trọng giúp bệnh nhân khỏi bệnh hoặc kéo dài cuộc sống. Chẳng hạn như ở các nước tỷ lệ UTDD sống thêm sau 5 năm (coi như khỏi bệnh) chỉ khoảng 20 – 25%, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc nhờ phát hiện sớm và điều trị kịp thời với các kỹ thuật vét hạch triệt căn, tỷ lệ khỏi bệnh lên tới 60 – 65% vượt xa 20 – 25% cách đây 20 năm. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam có trên 15.000 bệnh nhân mới được chẩn đoán UTDD và hơn 11.000 ca tử vong vì bệnh này. Tần suất mắc cao, nhưng theo thống kê tại Bệnh viện K, có tới 3/4 bệnh nhân K dạ dày được phát hiện muộn, chỉ có 15% bệnh nhân sống thêm được 5 năm. Vì vậy, khi có biểu hiện bất thường người dân nên đi khám để được chẩn đoán sớm và được phẫu thuật ở những trung tâm chuyên sâu, có phẫu thuật viên được đào tạo cơ bản về các kỹ thuật vét hạch triệt căn, mới có thể chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *