Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng – những điều cần biết

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý thường xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể khỏi hẳn, ngược lại, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, chúng ta cần hiểu rõ về bệnh để phòng bệnh và điều trị bệnh tốt hơn.

1. Viêm loét dạ dày tá tràng là gì?

Loét dạ dày tá tràng là tình trạng tổn thương loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần tiếp nối với dạ dày và là phần đầu của ruột non).

Mặc dù đã có những tiến bộ lớn trong chẩn đoán và điều trị nhưng bệnh vẫn là một vấn đề sức khỏe lớn bởi số lượng bệnh nhân nhiều, tính chất bệnh mạn tính và dễ tái phát, và có thể gây một số biến chứng.

2. Yếu tố nguy cơ dẫn đến loét dạ dày tá tràng

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh loét dạ dày tá tràng như:

  • Di truyền: loét tá tràng có tính chất di truyền, tần suất cao ở một số gia đình và đồng thời xảy ra ở cả 2 anh (chị) em sinh đôi cùng trứng hơn là khác trứng.
  • Yếu tố tâm lí (stress): Những người hay bị căng thẳng, lo lắng sẽ có nguy cơ mắc bệnh loét dạ dày tá tràng, bởi các căng thẳng kéo dài có ảnh hưởng lớn đến quá trình bài tiết acid trong dạ dày. Căng thẳng thần kinh, sang chấn tâm lí, tình cảm cũng ảnh hưởng đến kết quả điều trị loét dạ dày tá tràng.
  • Yếu tố tiết thực(liên quan đến thói quen, tập tục ăn uống vùng miền): Không loại trừ loét phân bố theo địa dư là có sự đóng góp của thói quen ăn uống.
  • Hút thuốc lá và uống rượu bia (các đồ uống có cồn khác): trong khói thuốc lá có chứa hơn 200 loại chất gây hại cho sức khỏe của con người, trong đó đặc biệt là chất nicotine. Chất nicotine sẽ gây kích thích cơ chế để tiết ra nhiều cortisol – đây là tác nhân chính làm tăng nguy cơ loét dạ dày. Thuốc lá còn làm chậm sự lành sẹo và gây đề kháng với điều trị.
  • Thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ: ăn uống không đúng giờ, đúng bữa, hay bỏ bữa nhất là bữa sáng, ăn quá khuya, thức khuya, lười vận động…
  • Thói quen ăn uống: thích ăn các món chua, cay, nóng, lạnh, cứng, khó tiêu…

3. Nguyên nhân dẫn đến loét dạ dày tá tràng

Có nhiều nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng, nhưng trên thực tế lâm sàng, thường thấy có những nguyên nhân sau:

  • Loét do Helicobacter pylori (Hp): là nguyên nhân chủ yếu gây loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày cấp và mạn, ung thư dạ dày.
  • Thường xuyên sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau: Đây là nguyên nhân thứ hai sau nhiễm Helicobacter pylori. Việc sử dụng lâu dài thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau ở người lớn tuổi, làm ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin, là chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày bị sụt giảm, gây loét dạ dày- tá tràng.

4. Biểu hiện của bệnh loét dạ dày tá tràng

Dưới đây là những biểu hiện thường xuất hiện trong bệnh loét dạ dày tá tràng:

  • Đau bụng vùng thượng vị (vùng trên rốn): triệu chứng gần như luôn luôn xuất hiện ở bệnh loét dạ dày tá tràng. Đau có thể từ mức độ khó chịu, âm ỉ, đến dữ dội. Tùy thuộc vào vị trí ổ loét, tính chất đau có thể ít nhìu khác biệt.
  • Loét dạ dày: Thường đau sau ăn khoảng vài chục phút đến vài giờ. Đáp ứng với bữa ăn và thuốc trung hòa acid kém hơn so với loét hành tá tràng.
  • Loét hành tá tràng: Thường xuất hiện lúc đói hoặc sau bữa ăn 2-3 giờ, đau tăng lên về đêm, ăn vào hoặc sử dụng các thuốc trung hòa acid thì đỡ đau nhanh.
  • Đau âm ỉ kéo dài, thành từng cơn nhưng có tính chu kì và thành từng đợt.
  • Có thể có các triệu chứng: buồn nôn, nôn, chán ăn, cảm giác nóng rát, đầy trướng bụng, ợ chua.
  • Trong đợt loét có thể sụt cân nhẹ, sau đợt loét sẽ trở lại bình thường.

5. Biến chứng của bệnh loét dạ dày tá tràng

Loét dạ dày tá tràng nếu không được điều trị thích hợp, lâu ngày sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

  • Xuất huyết tiêu hóa trên (chảy máu vết loét): là biến chứng thường gặp nhất. Khoảng 15-20% bệnh nhân loét dạ dày tá tràng có một hoặc nhiều lần chảy máu. Người già chảy máu nhiều hơn người trẻ. Biến chứng chảy máu có thể xảy ra trong đợt loét tiến triển hoặc cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên.
  • Thủng hoặc dò ổ loét: đây là biến chứng thứ hai hay gặp sau chảy máu. Thường khởi đầu bằng cơn đau dữ dội như dao đâm.
  • Hẹp môn vị: thường gặp ở ổ loét hành tá tràng. Thường biểu hiện là đau bụng vùng thượng vị,chướng bụng, nôn ra thức ăn cũ.
  • Ung thư hóa: tỉ lệ ung thư hóa khoảng 5-10%, và thời gian loét kéo dài >10 năm.

6. Dự phòng bệnh loét dạ dày tá tràng

Dưới đây là một số điều cần lưu ý để dự phòng bệnh loét dạ dày tá tràng:

  • Nên tập thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học: ăn chậm, nhai kĩ, ăn uống đúng giờ, tránh bỏ bữa nhất là bữa sáng, không nên ăn khuya (không ăn trễ hơn 8 giờ tối), không để quá đói hoặc ăn quá no, tránh ăn các thức ăn quá chua, quá cay,…..
  • Cần bổ sung vitamin A, D, K, B12, acid folic, canxi, Fe, Zn,..trứng, sữa giúp trung hòa acid dạ dày tốt hơn,..
  • Tránh các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, trà, cà phê,…
  • Hạn chế dùng các thuốc kháng sinh, kháng viêm, các thuốc giảm đau, khi dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được sử dụng các thuốc thích hợp ít ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày.
  • Tái khám đúng hẹn, khi đi khám cần mang theo sổ khám bệnh và các loại thuốc hiện đang dùng.
  • Vận động phù hợp, tập thể dục đều đặn và hợp lí, khoảng 30 phút/ngày, 5 lần/tuần để có sức khỏe tốt, tâm trạng thoải mái.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *