Cấu trúc của dạ dày như thế nào?

Dạ dày là một tạng rỗng nối giữa thực quản và tá tràng, có vai trò chứa đựng và nhào trộn thức ăn trước khi đẩy xuống ruột non. Dạ dày có hệ mạch máu nuôi dưỡng phong phú và chi phối bởi dây thần kinh số X.

Hình thể ngoài của dạ dày

Dạ dày là phần rộng nhất của ống tiêu hóa, nối giữa thực quản và tá tràng. Nằm ở phần bụng trên, dưới cơ hoành, kéo dài từ hạ sườn trái xuống dưới và qua phải. Dạ dày có hai thành trước sau, bờ cong lớn và bờ cong nhỏ, tâm vị và môn vị ở hai đầu. Lần lượt từ trên xuống dưới có:

Các lớp của dạ dày

+ Tâm vị là vùng rộng khoảng 3-4cm nằm kế cận thực quản. Vùng này bao gồm cả lỗ tâm vị là chỗ nối thực quản và dạ dày, không có van đóng kín, cấu tạo là một nếp niêm mạc.

+ Đáy vị ở bên trái lỗ tâm vị và ngăn cách với thực quản bụng bởi một khuyết gọi là khuyết tâm vị, là phần phình to hình chỏm cầu, còn được gọi đáy phình vị.

+ Thân vị là phần tiếp theo đáy vị, hình ống, được cấu tạo bởi hai thành và hai bờ. Giới hạn trên là mặt phẳng qua lỗ tâm vị, giới hạn dưới là mặt phẳng qua khuyết góc bờ cong nhỏ.

+ Hang vị là phần nối tiếp theo thân vị hướng sang phải và hơi ra sau.

+ Ống môn vị thu hẹp lại giống cái phễu và đổ vào môn vị. Ở giữa môn vị là lỗ môn vị thông với hành tá tràng.

Phân chia dạ dày (Nguồn: theo Atlas Giải Phẫu Người, 2008)

Về mặt ứng dụng phẫu thuật, theo Hiệp hội nghiên cứu ung thư dạ dày Nhật Bản, để xác định vị trí thương tổn dạ dày theo chiều dọc, dạ dày được chia làm 3 vùng bằng cách nối giữa các điểm chia đều 3 phần ở hai bờ cong lớn và nhỏ, theo ký hiệu như sau: 1/3 trên (U: upper), 1/3 giữa (M: middle) và 1/3 dưới (L: lower).

 

Phân chia hình thể ngoài của dạ dày(*Nguồn: theo Japanese Gastric Cancer Association, 2011)

 

E: Esophagus (thực quản)

U: Upper (1/3 trên)

M: Middle (1/3 giữa)

L: Lower (1/3 dưới)

D: Duodenum (tá tràng)

Dạ dày có mấy lớp?

Cấu tạo của thành dạ gồm 4 lớp, từ trong ra ngoài lần lượt là lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ và lớp thanh mạc:

– Lớp niêm mạc bao gồm:

+ Lớp bề mặt: Toàn bộ niêm mạc được phủ bởi tế bào biểu mô chế nhày hình trụ, nhân nhỏ lệch về phía đáy, nguyên sinh chất có chứa các hạt nhày sáng ở vùng trên nhân. Dưới kính hiển vi điện tử, tế bào biểu mô bề mặt có viền vi nhung mao ngắn bao phủ mặt đỉnh, phía ngoài mặt đỉnh là lớp mỏng glycocalyx có sợi. Tế bào biểu mô phủ sắp xếp một cách tinh vi với những hố lõm nơi đổ vào của các tuyến dạ dày.

+ Lớp đệm: Là mô liên kết thưa có chứa các tuyến dạ dày, các sợi cơ trơn và mạch máu.

+ Lớp cơ niêm: Là loại cơ trơn ngăn cách niêm mạc với hạ niêm mạc và lớp cơ.

– Lớp dưới niêm mạc: Có đám rối thần kinh dưới niêm

– Lớp cơ: Gồm 3 lớp, cơ chéo ở lớp trong cùng, tiếp đến là lớp cơ vòng

và ngoài cùng là lớp cơ dọc.

– Lớp thanh mạc: Nằm ở ngoài cùng là một phần của lá tạng phúc mạc.

Hệ thống mạch máu nuôi dưỡng dạ dày

Vòng mạch bờ cong nhỏ

– Bó mạch vị phải: Xuất phát từ động mạch gan riêng ở phía trước và bên trái chạy đến bờ cong nhỏ chia thành hai nhánh để nối với động mạch vị trái. Tĩnh mạch đi cùng động mạch và đổ vào tĩnh mạch cửa.

– Bó mạch vị trái: Động mạch vị trái xuất phát từ động mạch thân tạng chạy vòng lên trên và đội phúc mạc lên thành một nếp gọi là liềm động mạch vành vị đổ vào vị trí 1/3 trên của dạ dày chia thành hai nhánh bò sát bờ cong nhỏ đi xuống để nối với động mạch vị phải. Tĩnh mạch vị trái phát sinh gần tâm vị đi kèm động mạch và đổ vào tĩnh mạch cửa.

Vòng mạch bờ cong lớn dạ dày

– Bó mạch vị mạc nối phải: Động mạch xuất phát từ động mạch vị tá tràng đi trong dây chằng vị đại tràng rồi đi song song với bờ cong lớn để cho những nhánh nuôi cho môn vị, thân vị. Những nhánh đi xuống gọi là nhánh mạc nối. Tĩnh mạch vị mạc nối phải lúc đầu đi cùng với động mạch tới môn vị thì uốn lên trước đầu tụy để đổ vào tĩnh mạch mạc treo tràng trên.

– Bó mạch vị mạc nối trái: Xuất phát từ động mạch lách trong rốn lách hay từ một nhánh của động mạch vị ngắn đi vào mạc nối vị lách rồi chạy dọc bờ cong lớn trong dây chằng vị đại tràng cho những nhánh bên nuôi dạ dày. Tĩnh mạch vị mạc nối trái theo động mạch đổ vào tĩnh mạch lách trong rốn lách.

Những động mạch vị ngắn dạ dày

– Phát sinh từ động mạch lách hay từ một nhánh của nó. Có khoảng 5-6 nhánh chạy trong mạc nối vị lách để chi phối cho phân trên bờ cong lớn.

Động mạch vùng đáy vị và tâm vị

– Các nhánh thực quản phát sinh từ động mạch vị trái đi ngược lên chi phối cho mặt trước và mặt sau vùng tâm vị và đáy vị.

– Động mạch hoành dưới trái cho các nhánh đến mặt sau tâm vị.

– Động mạch đáy vị bất thường sinh ra từ động mạch lách đi trong dây chằng vị hoành chi phối cho đáy vị và mặt sau thực quản.

– Mạch máu đi tới dạ dày bắt nguồn từ động mạch thân tạng gồm:

– Vòng mạch bờ cong nhỏ bao gồm bó mạch vị phải và bó mạch vị trái.

– Vòng mạch bờ cong lớn bao gồm bó mạch vị mạc nối phải và bó mạch vị mạc nối trái.

– Các động mạch vị ngắn chi phối cho phần trên bờ cong lớn. Động mạch vùng đáy vị và tâm vị bao gồm các nhánh thực quản phát sinh từ động mạch vị trái, động mạch đáy vị sau phát sinh từ động mạch lách. Động mạch hoành dưới trái cho các nhánh đến mặt sau tâm vị.

 

Các động mạch cung cấp máu cho dạ dày

Thần kinh chi phối

Dạ dày được chi phối bởi hai dây thần kinh X trước và sau thuộc hệ phó giao cảm và những sợi thần kinh từ đám rối tạng thuộc hệ giao cảm.

Hệ thống bạch huyết chúng tôi xin trình bày chi tiết tại bài “ Hệ thống bạch huyết và mối liên quan đến vét hạch trong điều trị ung thư “.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *