Bệnh lý dạ dày thường gặp

1.Ung thư dạ dày

  • Đây là một biến chứng nặng nề và nguy hiểm nhất của bệnh lý dạ dày. Viêm loét tái phát nhiều lần, kéo dài thì khả năng mắc ung thư ngày càng cao. Mỗi năm trên thế giới có thêm 870.000 người mắc mới và 650.000 người chết vì căn bệnh ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến thứ 2 ở Việt Nam, chỉ sau ung thư phổi ở nam giới và ung thư vú ở nữ giới. Đây là một bệnh lý hết sức nguy hiểm ở đường tiêu hóa.
  • Bệnh có những dấu hiệu như: Nôn hay đại tiện ra máu; Chán ăn, ăn không ngon; Đau dạ dày dai dẳng; Sụt cân bất thường; Ợ nóng, khó tiêu, chướng bụng. Bệnh phát hiện sớm, điều trị sớm có tiên lượng tốt, kéo dài được tuổi thọ.
  • Với những người mắc bệnh dạ dày đặc biệt là nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (một trong những nguyên nhân gây ung thư dạ dày) cần phải điều trị nhanh và dứt điểm, tránh tình trạng bệnh kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

2.Xuất huyết dạ dày

  • Xuất huyết dạ dày là một căn bệnh khá nguy hiểm có thể gây mất máu cấp tính
  • Xuất huyết dạ dày là một biến chứng cấp tính nguy hiểm của các tổn thương viêm loét dạ dày cấp hoặc mãn tính. Biến chứng thường xảy ra do uống nhiều rượu, stress quá độ, dùng các loại thuốc giảm đau chống viêm như aspirin, corticoid, thuốc chống đông máu,.. gây ra tình trạng xuất huyết. Hoặc cũng có thể do các thức ăn kích thích (cà phê, tiêu…) hoặc khó tiêu làm cho vết tổn thương viêm loét bị kích thích, cọ xát, gây nên xung huyết – xuất huyết.
  • Người bị xuất huyết dạ dày sẽ có biểu hiện đau vùng thượng vị dữ dội, đại tiện ra phân đen, nôn ra máu. Đây là tình trạng cần cấp cứu kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

3.Thủng dạ dày

  • Là biến chứng rất nặng nề của viêm loét dạ dày. Tỷ lệ nam giới bị nhiều hơn nữ giới do thói quen uống rượu bia nhiều. Chủ yếu chỉ có 1 lỗ thủng, rất hiếm khi có 2 hay nhiều lỗ thủng.
  • Người bệnh có cảm giác đau nhói ở vùng thượng vị, vùng bụng. Cơn đau thường đến đột ngột, cảm giác đau như thể có vật nhọn đâm vào bụng. Ngoài ra người bệnh còn cảm thấy buồn nôn và nôn, đại tiện, tiểu tiện ít, hơi thở gấp, tim đập nhanh. Cần được cấp cứu kịp thời.
Hình ảnh minh họa mức độ viêm loét dạ dày thường gặp

 

4.Hẹp môn vị

Môn vị là chỗ nối giữa dạ dày và tá tràng có tác dụng tống thức ăn từ dạ dày xuống tá tràng. Hẹp môn vị gây nên tình trạng lưu thông thức ăn và dịch dạ dày xuống tá tràng gặp khó khăn hoặc đình trệ một phần nào đó.

Bệnh tiến triển từ từ thường chia thành 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu: Sự lưu thông qua môn vị chưa bị tắc hoàn toàn mà mới chỉ bị cản trở. Bệnh nhân có triệu chứng đau vùng trên rốn, đau tăng lên sau bữa ăn, nếu nôn ra được thì sẽ đỡ đau hơn. Nôn thường xuất hiện sớm ngay sau bữa ăn, nôn ra thức ăn mới (thức ăn vừa ăn xong).
  • Giai đoạn sau: Sự lưu thông qua môn vị bị ngưng trệ hoàn toàn, các triệu chứng nặng nề hơn nhiều. Điển hình bằng 2 triệu chứng chính là đau bụng liên tục luôn có cảm giác chướng bụng, và nôn ra thức ăn của ngày hôm trước, nôn ra nước ứ đọng màu xanh đen, nhiều người phải móc họng để nôn hết ra.
  • Hẹp môn vị có thể hẹp cơ năng do viêm nhiễm, phù nề, co thắt tại vị trí cơ môn vị hoặc hẹp thực thể do ung thư, ổ loét tá tràng to, xơ chai,… Hẹp môn vị cơ năng hoàn toàn có thể giải quyết bằng điều trị nội khoa nhưng nếu là hẹp môn vị có tổn thương thực thể thì đây là một cấp cứu ngoại khoa cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
  • Bệnh dạ dày mang lại nhiều biến chứng lớn

5. Viêm dạ dày mạn tính

  • Thông thường các tổn thương viêm trên dạ dày bị tái đi tái lại theo thời gian dài, không được điều trị kịp thời sẽ trở thành viêm dạ dày mạn tính.
  • Trong một số trường hợp, viêm dạ dày mạn tính có mối liên hệ với loét và làm tăng nguy cơ bị mắc ung thư dạ dày. Do đó, cần hết sức chú ý để điều trị và theo dõi diễn tiến của bệnh.

6. Làm gì để ngăn chặn bệnh và các biến chứng?

Phòng tránh bệnh

  • Ăn uống điều độ, an toàn vệ sinh thực phẩm.
  • Tránh dùng nhiều chất kích thích như chất cay nóng, rượu bia hay nhiều dầu mỡ,…
  • Tránh căng thẳng, stress trong công việc.
  • Tập thể dục thường xuyên, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm.

Phòng tránh biến chứng

  • Khám và điều trị bệnh sớm.
  • Điều trị bệnh theo đúng đơn thuốc và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Không tư ý ngừng thuốc, đổi thuốc khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.
  • Thực hiện thăm khám, tái khám theo đúng hẹn với bác sĩ.
  • Người dân nên thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ để có thể phòng tránh bệnh, hạn chế những biến chứng do bệnh lý dạ dày gây ra để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *